Cabin sữa tại nơi làm việc: Thêm tiện ích cho nữ công nhân lao động!

(VOH) - Thời gian qua, việc nhiều công ty lắp đặt cabin vắt trữ sữa tại nơi làm việc đã thu hút sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của nữ công nhân lao động bởi điều này tạo điều kiện cho lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ, và các em bé được bú sữa mẹ lâu hơn.

Các công nhân nữ đang tham khảo cách sử dụng máy vắt sữa (Ảnh minh họa: baonghean)

Tháng 11/2014, công ty Shyang Hung Cheng tại Bình Dương tiến hành lắp đặt thí điểm cabin vắt trữ sữa dành cho nữ công nhân đang nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi. Trong cabin được trang bị máy lạnh, tủ lạnh, bồn rửa tay, khăn lau tay, bình và dụng cụ vắt sữa. 

Tăng thêm tiện ích

Cứ từ 11 giờ trưa là cabin này sẽ mở cửa đến tận 3g30 chiều để những nữ công nhân đang nuôi con nhỏ ra vào vắt và trữ sữa để dành sau giờ tan ca mang về cho con bú; hoặc sau khi vắt xong, người thân có thể đến lấy mang về cho con bú bất kỳ lúc nào.

Việc lắp đặt cabin vắt trữ sữa tại nơi làm việc đã thu hút sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của nữ công nhân lao động. Trung bình mỗi ngày có hàng chục chị em sử dụng cabin này. Chị Nguyễn Thị Hoa, Phó chủ tịch Công đoàn công ty Shyang Hung Cheng cho biết: “Đây là một việc làm rất tốt, có ý nghĩa vì tiết kiệm được kinh phí. Khi em bé bú sữa ngoài thì kinh phí cao hơn nhiều, còn khi sử dụng cabin này, các công nhân sẽ giảm được chi phí mua sữa cho con. Ở công ty họ vắt sữa cho con và chiều đem về hâm lại cho con bú. Điều này cũng giúp các em bé giảm được những bệnh tật và họ cũng cảm thấy rất vui”.

Không riêng gì công ty Shyang Hung Cheng mà ở khu vực các tỉnh phía Nam có đến 12 doanh nghiệp tiến hành lắp đặt cabin vắt trữ sữa tại nơi làm việc. Ngoài việc tăng thêm tiện ích dành cho nữ công nhân thì ý nghĩa lớn nhất mà cabin vắt trữ sữa mang lại chính là tạo điều kiện cho nữ công nhân nuôi con bằng sữa mẹ, con công nhân được bú sữa mẹ dài thời gian hơn.

Có thể kể đến như công ty TNHH PouChen Việt Nam ở Đồng Nai, nơi có hơn 17.000 nữ công nhân lao động đang làm việc, trong đó có 12.000 người trong độ tuổi sinh đẻ. Nhằm hỗ trợ cho nữ công nhân nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc, từ tháng 6/2013, công ty đã thiết lập một phòng vắt trữ sữa gần một xưởng sản xuất. Phòng vắt trữ sữa này cũng được trang bị đầy đủ dụng cụ hỗ trợ để nữ công nhân thuận tiện trong việc vắt và trữ sữa của mình.

“Khi đi làm muốn duy trì nguồn sữa cho con thì nên vắt sữa. Hiện nay công ty đã có lắp đặt cabin để cho các chị em có thể vắt sữa. Cứ hai đến ba tiếng thì có thể vắt sữa một lần. Và sữa vắt ra, bảo quản đúng cách thì không phải lo lắng ảnh hưởng đến chất lượng sữa”, chị Nguyễn Thị Hương – một thành viên công ty chia sẻ.

Mô hình cabin sữa tại nơi làm việc là sáng kiến mà Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam xây dựng và thực hiện từ năm 2012. Mỗi cabin vắt trữ sữa được thiết lập với chi phí hỗ trợ trên dưới 20 triệu đồng.

Khi mới bắt đầu thực hiện mô hình này, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp cùng dự án A&TH lắp đặt miễn phí cho doanh nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó chủ tịch Tổng Liên đòan lao động Việt Nam, mô hình cabin vắt trữ sữa ra đời xuất phát từ những chuyến khảo sát thực tế về đời sống người lao động, tổ chức công đoàn chứng kiến việc có nhiều nữ công nhân lao động sau khi hết kỳ nghỉ 4 hoặc 6 tháng thai sản, trở lại làm việc đã phải chạy vào nhà vệ sinh vắt bỏ sữa của mình đi.

Bên cạnh vắt bỏ sữa, chị em cũng phải chịu cảnh đau nhức mỗi khi bầu sữa căng cứng và cũng gặp phải nhiều nguy cơ bệnh tật khác khi việc vắt bỏ sữa không đúng cách, không hợp vệ sinh. Mặc khác, có một nghịch lý là trong khi sữa mẹ bị vắt bỏ thì con của công nhân phải bú sữa ngoài, trong khi thu nhập của họ thì rất hạn hẹp.

Thực hiện trách nhiệm xã hội

Việc thiết lập cabin sữa tại nơi làm việc là biện pháp thiết thực nhằm đảm bảo cho nữ công nhân lao động vừa làm tròn vai trò người mẹ mà vẫn đảm bảo tốt công việc.

“Cabin vắt trữ sữa ra đời đã được lao động nữ hồ hởi đón nhận, vì đây là điều kiện để chăm sóc rất thiết thực cho lao động nữ trở lại nơi làm việc sau khi sinh con. Nhiều chị em công nhân rất xúc động”, bà Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết thêm.

Từ khi ra đời vào năm 2012 cho đến nay, mô hình  cabin sữa đã được triển khai tại 70 doanh nghiệp, riêng ở khu vực phía Nam hiện cũng đã có nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện mô hình này vì đã tạo cho nữ công nhân lao động trong độ tuổi sinh đẻ và đang nuôi con nhỏ yên tâm làm việc, từ đó năng suất lao động cũng hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc thiết lập cabin vắt trữ sữa tại nơi làm việc chính là thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Và điều quan trọng là chi phí thực hiện rất thấp nhưng hiệu quả mang lại thì rất lớn.

Từ hiệu quả bước đầu của  mô hình cabin sữa tại nơi làm việc, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, sắp tới sẽ nhân rộng mô hình này cũng như tăng cường công tác tuyên truyền cho người lao động và người sử dụng lao động hiểu rõ hơn về lợi ích, về tính nhân văn của việc tạo điều kiện cho nữ công nhân được nuôi con bằng sữa mẹ. Bên cạnh đó cũng góp phần thực hiện đạt mục tiêu 5 triệu bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ.