“Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

VOH - Từ bao đời nay, câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba” đã khắc sâu vào tiềm thức của mỗi người con đất Việt.

Hằng năm, cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch, những người con trên khắp mọi miền Tổ quốc lại cùng nhau hướng về Phú Thọ để tri ân, tưởng nhớ công đức tổ tiên. Câu ca dao quen thuộc “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba” cũng được nhắc đến nhiều hơn trong dịp trọng đại này.

Hãy cùng VOH Thường thức tìm hiểu ý nghĩa của câu ca dao này cũng như một số câu ca dao hay về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương trong bài viết sau.

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà nghìn năm.”

Dị bản:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Ngàn năm vang mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà đó thôi.”

Xưa nay, chúng ta vẫn thường nghe câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba” chứ ít khi thấy được bản đầy đủ của bài ca dao này.

Về ý nghĩa, ta có thể thấy ở phần đầu người xưa dùng cụm từ “đi ngược về xuôi” để chỉ những người con đất Việt làm ăn, sinh sống … ở trên khắp thế giới.

Câu ca dao là lời nhắn nhủ mỗi người, dù ở miền ngược hay miền xuôi, ở trong nước hay ngoài nước… cũng phải nhớ đến “ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”, nhớ đến tổ tiên, cội nguồn, lịch sử dựng nước và giữ nước.

tong-duyet-dang-huong-vua-hung
Hình ảnh từ buổi tổng duyệt Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương 2024 - Ảnh: Báo Phú Thọ

Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”… là đạo lý sống được lưu truyền qua hàng ngàn đời của người Việt. Cũng vì vậy mà chúng ta có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch chính là một trong những ngày lễ lớn của dân tộc. Đây là dịp con dân Việt Nam tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn với các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.

Phần cuối của bài ca dao là lời khẳng định, thể hiện niềm tự hào của mỗi người con Việt Nam về lịch sử của dân tộc:

“Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà nghìn năm.”

Hiện nay, vào ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là một ngày quốc lễ, mang đậm ý nghĩa bản sắc dân tộc. Người lao động sẽ được nghỉ 1 ngày hưởng nguyên lương vào dịp này.

Ngày 6/12/2012, UNESCO chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây được xem là biểu tượng của tinh thần đoàn kết vào truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

BOTTOM-BANNER-DOISONG

Ca dao về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương

Ngoài câu “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”, người xưa còn đề cập đến ngày lễ này thông qua một số câu ca dao khác.

  1. Tháng giêng giỗ Thánh Sóc Sơn,

Tháng ba Giỗ Tổ Hùng Vương nhớ về.

  1. Ai về Phú Thọ cùng ta

Vui ngày Giỗ Tổ tháng ba mùng mười

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba.

  1. Ai lên Phú Thọ thì lên

Lên non Cổ Tích, lên đền Hùng Vương

Đền này thờ tổ Nam Phương

Quy mô trước đã sửa sang rõ ràng

Ai ơi nhận lại cho tường

Lối lên đền Thượng sẵn đường xi măng

Lên cao chẳng khác đất bằng

Đua nhau lũ lượt lên lăng vua Hùng.

  1. Đu Tiên mới dựng năm nay,

Cô nào hay hát kỳ này hát lên.

Tháng ba nô nức hội đền,

Nhớ ngày Giỗ Tổ bốn nghìn năm nay.

Dạo xem phong cảnh trời mây,

Lô, Đà, Tam Đảo cũng quay đầu về.

Khắp nơi con cháu ba kỳ,

Kẻ đi cầu phúc, người đi cầu tài.

Sở cầu như ý ai ai,

Xin rằng nhớ lấy mồng mười tháng ba.

  1. Ai về đến huyện Đông Anh,

Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương.

Cổ Loa hình ốc khác thường,

Trải qua năm tháng, nẻo đường còn đây.

Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày lễ trọng đại, thiêng liêng của dân tộc Việt Nam. Câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba” chứa đựng lịch sử, truyền thống đạo lý của người Việt qua các thế hệ sẽ mãi khắc sâu trong tâm thức của mỗi người.

Theo dõi chuyên mục Thường thức của VOH.COM.VN để cập nhật thêm nhiều kiến thức thú vị!