Phục hồi cây sầu riêng sau thu hoạch

(VOH) - Sầu riêng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nên trong quá trình trồng và chăm sóc cần phải có những yêu cầu về kỹ thuật để giúp cây phát triển tốt và mang lại hiệu quả cao.

Cây sầu riêng cho rất nhiều hoa, đặc biệt hoa sầu riêng mọc ra từ thân nên sau khi thu hoạch cần phải có phương pháp tỉa cành, bón phân hợp lý để giúp cây phục hồi và cho năng suất cao trong mùa vụ tiếp theo.

Phục hồi cây sầu riêng sau thu hoạch

Chăm sóc tốt vườn sầu riêng sau thu hoạch sẽ giúp cây sớm hồi phục và cho năng suất cao vào mùa vụ tiếp theo. Ảnh minh họa: internet

Theo kinh nghiệm của Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Long - Viện cây ăn quả miền Nam thì,

1. Sau khi thu hoạch, nhà vườn nên tiến hành vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, chồi non, cuống quả còn sót trên cây. Nên tỉa bớt trái, tỉa cành tạo tán, tiêu hủy cành mang mầm bệnh, tỉa bỏ cành mọc dày, đan vào nhau, cành thấp hơn mặt đất từ 70cm cũng nên cắt bỏ. Việc này tạo sự thông thoáng cho vườn cây, tránh cạnh tranh về dinh dưỡng cũng như hạn chế sâu bệnh phát triển.

2. Bón phân: Cần thiết để bổ sung dinh dưỡng cho cây. Nên bón kết hợp phân hữu cơ và phân vô cơ nhằm kịp thời bổ sung dinh dưỡng và vi sinh vật cho cây.

Phân hữu cơ: Có thể sử dụng phân hữu cơ truyền thống và phân hữu cơ vi sinh. Tùy vào sản lượng của cây ở mùa vụ trước cũng như tuổi của cây mà tính toán hàm lượng phân bón cho phù hợp. Đối với phân hữu cơ ủ hoai, có thể bón từ 20 – 30kg/cây. Đối với phân hữu cơ vi sinh, sẽ bón với hàm lượng từ 3 – 5kg/cây.

Sau khi bón phân hữu cơ xong, tiến hành bón phân vô cơ để cây ra đọt. Giai đoạn này, lưu ý tăng cường lượng phân đạm cũng như bổ sung một số phân trung vi lượng để cây sinh trưởng và hấp thu dinh dưỡng tốt. Lân và kali ở mức độ vừa phải. Có thể bón phân NPK theo công thức 30:10:10, 20:10:10 hoặc 16:16:8 với hàm lượng từ 1 – 2 kg/cây.

Ngoài ra, cần bón vôi để cải tạo đất. Tuy nhiên, tùy vào độ pH của đất mà bón với liều lượng thích hợp. Nếu đất có độ pH trên 6.5 thì không cần phải bón vôi.

Bên cạnh đó, nhà vườn có thể dùng chế phẩm kích thích ra rễ, phun hoặc tưới phân bón lá cho cây để tán lá ra đồng loạt.

3. Quản lý sâu bệnh: Khi cây ra chồi non, cần phun thuốc bảo vệ thực vật kịp thời khi phát hiện sâu bệnh hại.

Đây là một số lưu ý của Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Long – Viện Cây ăn quả miền Nam giúp nhà vườn chăm sóc tốt vườn sầu riêng sau thu hoạch để cây sớm hồi phục và cho năng suất cao vào mùa vụ tiếp theo.