Phòng trừ sâu bệnh trên cây hồ tiêu giữa mùa mưa

(VOH) - Giai đoạn giữa mùa mưa là giai đoạn cây hồ tiêu dễ mắc sâu bệnh hại, việc chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trong giai đoạn này rất quan trọng.

Theo Tiến sĩ Trương Hồng – Quyền Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên, trong giai đoạn này, cây thường mắc phải một số loài sâu hại chính như: rệp sáp hại quả/ hại rễ, rệp muội đen/nâu.

- Đối với rệp muội đen/nâu: Rệp muội sống tập trung ở các chồi lá non, chích hút nhựa lá và làm lá non xoăn lại, cây tiêu chậm phát triển, các lá tiêu cong queo dị hình. Trong quá trình sinh sống, rệp tiết ra chất thải là môi trường phù hợp cho nấm bồ hóng phát triển và dẫn dụ kiến. Rệp muội chích hút làm lan truyền bệnh virus từ cây tiêu bệnh sang cây tiêu khỏe gây ra triệu chứng tiêu điên.

Biện pháp phòng trừ: Phun ướt đều đọt non, mặt dưới lá non, chuỗi non, có thể dùng thuốc Actara WG250 với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Phun ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 15 – 20 ngày.

- Đối với côn trùng rệp sáp, phát sinh và phát triển mạnh trong thời tiết khô hạn. Rệp sáp gây hại bằng cách chích hút nhựa đọt non, cuống lá, chuỗi hạt làm các bộ phận bị hại sinh trưởng kém, dây tiêu cằn cỗi, lá vàng, chùm quả héo và rụng sớm. Chất bài tiết của rệp là môi trường cho nấm bồ hóng đen phát triển làm giảm khả năng quang hợp của lá và làm giảm phẩm chất hạt.

Rệp sáp còn phá hại bộ rễ tiêu do nơi đây có độ ẩm và thức ăn trong mùa khô. Rệp chích hút nhựa rễ, sinh sản nhiều lứa tạo thành những ổ rệp sáp trong rễ, bên ngoài chúng cộng sinh với loài nấm Bornetina ở trong đất tạo nên những ổ xốp trắng, sần sùi bao quanh các đoạn rễ (triệu chứng măng-xông). Rễ bị héo khô, nhiễm một số nấm như Fusarium, Pythium gây ra bệnh chết chậm trên tiêu.

Biện pháp phòng trừ: Sử dụng thuốc Actara WG250 với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Phun thật kỹ và không sử dụng quá liều lượng vì sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng và môi trường. Nên xử lý 2 lần cách nhau 15 – 20 ngày để diệt lứa rệp non mới nở từ trứng che dưới bụng rệp mẹ.

- Đối với bệnh vàng lá chết chậm: Đây là bệnh do tác nhân là nấm xâm nhiễm vào rễ tiêu qua vết tổn thương trên rễ do tuyến trùng, rệp sáp rễ gây ra. Cây tiêu có biểu hiện sinh trưởng chậm, lá úa vàng. Lá, hoa, các đốt và trái cũng rụng dần từ dưới gốc lên ngọn, chứ không rụng và héo từ đọt xuống như bệnh chết nhanh. Gốc thân cây bệnh có các vết nâu đen, dần dần vết bệnh lan rộng làm thối lớp vỏ gốc, bó mạch của thân cây hóa nâu. Khi bệnh nặng, toàn bộ gốc và rễ cây tiêu bị thâm đen, hư thối, sau đó cây chết khô. Thời gian từ khi có biểu hiện bị bệnh cho đến khi chết có thể kéo dài cả năm, bệnh làm chết cả trụ hoặc 1-2 dây.

Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên kiểm tra để phát hiện bệnh kịp thời. Khi phát hiện bệnh muộn: cây vàng lá và rụng thì dùng thuốc hóa học hay bất kỳ biện pháp kỹ thuật nào để khắc phục tình trạng này. Nhà vườn nên áp dụng các biện pháp tổng hợp như: bón phân cân đối, bón nhiều phân hữu cơ, bón cân đối giữa đạm và kali. Khi cây bị bệnh do 2 đối tượng gây ra là nấm và tuyến trùng, lưu ý phải sử dụng cả 2 loại thuốc tuyến trùng và nấm. Tưới 2 lần, mỗi lần cách nhau 15 – 20 ngày.

Bệnh chết nhanh do nấm, đây là bệnh cực kỳ nghiêm trọng. Bệnh có thể xâm nhập và gây hại ở tất cả các bộ phận của cây từ thân, lá, hoa, trái cho đến cổ rễ và rễ. Nhưng nguy hiểm nhất và làm cho cây tiêu bị chết hàng loạt là khi bệnh xâm nhiễm vào phần cổ rễ và phần rễ bên dưới. Triệu chứng là cây tiêu đang tươi tốt thì héo rũ rất nhanh, rụng lá từ trên đầu trụ dần xuống dưới, hạt tiêu bị héo tóp lại, mạch dẫn bên trong thân thâm đen, sau đó rụng lóng, rụng đốt, nọc tiêu có thể chết hoàn toàn trong vòng 1 – 2 tuần.

Cách phòng trừ: Bệnh này chủ yếu phòng là chính, lưu ý hệ thống thoát nước trong vườn. Khi phát hiện các triệu chứng đầu tiên thì dây tiêu đã bị nấm bệnh xâm nhập vào bên trong từ 2 – 3 tháng trước đó. Do vậy, cần kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ và sớm ngay từ khi thiết kế vườn, chuẩn bị cây giống, bởi vì nếu để đến lúc bệnh đã lan mới vội vã mua thuốc về xử lý thì không thể nào cứu chữa kịp; Chọn giống tiêu có khả năng kháng bệnh tốt, lấy nguồn giống sạch bệnh; Thiết kế đào rãnh để vườn dễ dàng thoát nước khi có mưa; Thường xuyên vệ sinh vườn tiêu, làm sạch cỏ dại; Bón nhiều phân chuồng; Bón phân cân đối giữa đạm và kali, giúp phục hồi bộ rễ, cung cấp vi lượng để vườn cây sinh trưởng khỏe; Trong khi chăm sóc, làm cỏ, bón phân cố gắng tránh gây những vết thương cho gốc tiêu, rễ tiêu để hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh gây hại.

- Bệnh thán thư: Bệnh thán thư trên lá có những đốm lớn màu vàng sau đó chuyển thành màu nâu và đen dần. Vết bệnh có hình dạng không nhất định. Khi già rìa vết bệnh có quầng đen rộng bao quanh, phân cách giữa phần mô bệnh và mô khỏe. Các vệt cháy thường xuất hiện ở đầu mép lá. Bệnh cũng có thể tấn công vào gié bông, gié quả làm bông, hạt bị khô đen hoặc cũng có thể gây hại thân nhánh cây tiêu làm tháo đốt, khô cành. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường phát triển mạnh trong mùa mưa.

Cách phòng trừ: Khi phát hiện bệnh, dùng thuốc phun trị bệnh 2 lần cách nhau từ 20 – 30 ngày.

Ngoài ra, bệnh đen lá thì cách phòng bệnh cũng giống như bệnh thán thư.

>>>> Nghe Phòng trừ sâu bệnh trên cây hồ tiêu giữa mùa mưa trong chương trình Kết nối Nhà nông

Chương trình Kết nối Nhà nông phát trong chương trình Nông thôn mới trên sóng FM 99.9 MHz vào lúc 4 giờ 30 phút thứ Năm, thứ Bảy hàng tuần.