Trẻ em kế thừa trí thông minh từ mẹ

(VOH) - Các nhà nghiên cứu từ đại học Anh cho thấy trẻ em có nhiều khả năng kế thừa sự thông minh, lanh lợi từ mẹ vì gen thông minh nằm trên nhiễm sắc thể X.

Kỹ năng làm cha mẹ 16/09/2016.

(VOH) Tư vấn từ bác sĩ Yến Phi

HỎI ĐÁP SỨC KHỎE

* Thính giả VOH: Con tôi nay đã được 5 tháng tuổi, nặng 6kg nhưng đi ngoài vẫn còn như lúc trong tháng và có nhiều nhày nhớt. Đi khám được bác sĩ kê đơn thuốc có kẽm và probio nhưng tình trạng chưa được cải thiện nhiều. Mong nhận được lời khuyên từ bác sĩ?

- Bác sĩ Yến Phi: Bé 5 tháng tuổi và đạt 6kg là nằm trong mức bình thường, tức là bé có hấp thu và tăng cân. Tuy nhiên, khả năng tiêu hóa và hấp thu của hệ tiêu hóa tương đối kém. Sữa đông đặc lại, không được tiêu hóa và thải qua phân quá nhiều.

Phác đồ điều trị với kẽm và probio là đúng nhưng đó chỉ là phương tiện giúp hệ tiêu hóa của trẻ có thể tự mình phát triển khỏe hơn. Trong giai đoạn này, mẹ cần quan tâm tới thức ăn dặm để làm tăng lượng chất bột đường cho bé nhằm giúp hấp thu tốt hơn.

Bé không có các triệu chứng tổn thương chức năng hệ tiêu hóa mà chỉ bị chậm trưởng thành đường ruột hơn và men tiêu hóa chưa tốt. Có thể tăng liều lượng probio trong khoảng 1 tuần đến 10 ngày sau đó giảm xuống để làm tăng men tiêu hóa.

Men neopeptine được chiết xuất từ nhựa cây đu đủ tiêu tương đối an toàn cho trẻ em với một ngày uống hai lần và mỗi lần khoảng 3 giọt ngay sau khi bú.

Đi ngoài nhiều nhày nhớt cũng xuất phát từ việc tiêu hóa kém và từ trong ruột tiết ra lượng chất nhày nhiều hơn bình thường. Nếu bé có tình trạng trào ngược thực quản thì nên để ý đến chuyện dị ứng sữa bò. Việc bé thường xuyên khịt mũi thì nên thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý cho bé trước khi cho bé bú.

* Thính giả VOH: Con tôi được 7 tháng, nặng 7,5kg và dài 65cm như vậy có thiếu hay không? Cách nấu một chén bột cho bé trong khoảng thời gian này là như thế nào? Bé bị hâm hậu môn là do lý do gì? Bé lớn 5 tuổi đã bị lung lay răng, gia đình nên làm thế nào?

- Bác sĩ Yến Phi: Bé được 7 tháng thì phải được 67cm, như vậy bé không thiếu về cân nặng nhưng thiếu về chiều cao. Nên kiểm tra xem bé uống có đủ lượng sữa cần thiết hay không. Nên gia tăng lượng sữa và tích cực phơi nắng cho bé.

Trong sữa có đầy đủ thành phần giúp bé tăng chiều cao nhưng chúng ta phải phơi nắng để một số thành phần trong sữa có thể chuyển hóa thành vitamin D giúp bé tăng chiều cao tốt hơn.

Bé từ 7-9 tháng thì mỗi ngày sẽ ăn dặm hai lần với nửa chén bột. Mẹ nên lấy một muỗng gạt thức ăn đã được băm nhuyễn khuấy đều trong180ml nước lạnh và nấu chín. Cho tiếp hai thìa rau bằm nhuyễn và một thìa dầu hoặc mỡ đầy tràn rồi khuấy cho nguội bớt. Sau đó cho bột vào quậy đến khi đặc sệt.

Đến 9 tháng bé có thể ăn ba cữ. Chúng ta có nấu một lần cháo trắng để bé ăn cho cả ngày và không nên hầm cháo vì sẽ bay hết chất dinh dưỡng.  Bữa tối nên cho bé ăn vào lúc 5-6h chiều tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ, sự phát triển trí não, chiều cao.

Bé bị hâm hậu môn có thể là do giảm men lactase. Có thể bị sau một đợt tiêu chảy do nhiễm trùng tiêu hóa hay nhiễm trùng tai mũi họng gì đó và kéo dài gây tổn thương bề mặt miên mạc của ruột.

Đối với bé lớn nên mang đến nha sĩ để họ giúp nhổ răng lung lay đồng thời kiểm tra luôn các răng xung quanh và mầm răng vĩnh viễn bên dưới.

An_kieng

* VOH: Ăn kiêng không đúng cách cũng có khả năng gây ung thư. Điều này có đúng hay không và vì sao lại như vậy?

- Bác sĩ Yến Phi: Tế bào ung thư là tế bào bình thường của cơ thể bị biến đổi và hệ miễn dịch không phát hiện, tiêu diệt ngay từ đầu. Việc phát sinh ung thư dựa trên số lượng tế bào ung thư và việc hệ miễn dịch có phát hiện ra tế bào ung thư ngay khi tế bào mới sinh ra và tiêu diệt nó hay không.

Việc ăn kiêng không đúng cách sẽ làm tăng lượng độc chất trong cơ thể, làm rối loạn chuyển hóa khiến tốc độ sản sinh tế bào bất thường vượt quá khả năng kiểm soát của hệ miễn dịch và dễ dẫn đến tình trạng ung thư.

Như vậy nếu chúng ta ăn kiêng không đúng cách làm tổn hại đến cơ chế sinh lý bình thường của cơ thể sẽ xảy ra hàng loạt rối loạn bao gồm rối loạn chuyển hóa, rối loạn độc chất trong đó có cả việc nảy sinh mầm móng của ung thư.

* VOH: Cơ chế phát sinh tế bào ung thư diễn ra theo chu kỳ thế nào?

Bác sĩ Yến Phi: Đó là cơ chế sinh lý bình thường của cơ thể. Các tế bào trong quá trình nhân đôi để tạo nên tế bào mới sẽ có một tỷ lệ nhất định tế bào bất thường.

Nếu cơ thể trục trặc sẽ làm gia tăng nồng độ chất không tốt trong máu khiến quá trình nhân đôi diễn ra không hoàn hảo và dễ tạo ra tế bào ung thư. Nên để chống ung thư, chúng ta phải duy trì hoạt đông của cơ thể càng bình thường càng tốt.

* VOH: Vì sao chậm được xem là nguyên tắc trong đảm bảo dinh dưỡng thực phẩm?

- Bác sĩ Yến Phi: Tất cả các hoạt động của cơ thể có thể tóm tắt là hoạt động của quá trình chuyển hóa. Việc chuyển hóa chậm, đều đặn bình thường là cách để duy trì các tế bào trong cơ thể khỏe mạnh và hoạt đông tốt.

Những người có nhịp tim chậm, nhịp thở thật sâu giúp cơ thể không bị stress và tránh sốc do thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác.

Khi chúng ta nhai kỹ, chậm, nước bọt – một loại men tiêu hóa sẽ thấm vào trong thức ăn và thức ăn sẽ được tiêu hóa một phần trước khi vào dạ dày. Đồng thời, nghiền nhỏ thức ăn để thức ăn tiếp xúc với men tiêu hóa trong dạ dày dễ hơn.

Thực phẩm hấp thu chậm giúp chất dinh dưỡng đi từ ruột vào máu cũng chậm hơn làm cho nồng độ chất trong máu tăng lên từ từ và cơ thể không bị sốc khi có sự thay đổi đột ngột nồng độ dinh dưỡng.

* Thính giả VOH: Bé nhà tôi được 21 tháng. Bé mọc được 16 chiếc răng từ khi 10 tháng rưỡi nhưng hàm răng trên của bé bị siết. Điều đó về sau có gây ảnh hưởng gì hay không? Và lâu nay bé không mọc thêm chiếc răng nào. Bé hiện đang được 12kg và dài 81cm. Liệu bé có đang phát triển bình thường không?

- Bác sĩ Yến Phi: Chúng ta không thể can thiệp khi bé đã bị siết răng. Đa số là do vi khuẩn xuất hiện trên nền của một cái răng có men răng kém nên dễ bị siết. Cũng may là việc siết răng không ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn.

Tuy nhiên những bé mà từ 2 tuổi trở đi, chúng ta nên tập kỹ cách nhai cho bé và cắt nhỏ thức ăn. Bé 21 tháng phải đạt chiều cao 83cm, như vậy bé đang bị thiếu chiều cao. Và chuyện chậm mọc răng có thể do không cung cấp đủ lượng sữa và canxi cho bé và phơi nắng thường xuyên cho bé.

Mỗi ngày bé cần tối thiểu là 800ml sữa. Khi bé mọc đủ 24 cái răng là có thể cho bé ăn cơm. Nên cho bé tập ăn cơm trước khi đủ 24 cái răng trong điều kiện đã có răng hàm.

* Thính giả VOH: Bé được 11 tháng, cao 75cm và nặng 7,5kg. Bé sinh 3,5kg nhưng rất lười ăn. Mấy tháng đẩu chỉ bú sữa mẹ, bé chỉ lên tăng 700g. Bác sĩ có thể tư vấn trường hợp này của bé như thế nào?

- Bác sĩ Yến Phi: Bé không bị thiếu chiều cao nhưng cân nặng bị thiếu khoảng 2kg. Nên tập cho bé uống sữa ngoài bằng cách khi bé khát nước thì đưa sữa cho bé uống sau đó mới cho uống sữa mẹ. Nên bù thêm cho bé mỗi ngày 300-400ml sữa ngoài bên cạnh sữa mẹ.

Cho bé ăn một ngày 6 bữa. Trong đó có 4 cữ ăn và hai cữ sữa ngoài, còn sữa của mẹ được dùng thay nước tráng miệng. Cho bé ăn một cữ nửa chén cháo đặc với một thìa thức ăn, một thìa rau và một thìa dầu.

Không nên cho bé xem ti vi hay đi chơi lúc ăn. Và bữa ăn nên chỉ kéo dải 20 phút. Nếu bé chưa ăn xong thì cũng nên dừng cho ăn và cho bé uống sữa mẹ.

THÔNG TIN CẦN BIẾT

Các nhà nghiên cứu từ đại học Anh cho thấy trẻ em có nhiều khả năng kế thừa sự thông minh, lanh lợi từ mẹ vì gen thông minh nằm trên nhiễm sắc thể X.

Một nghiên cứu vào năm 1984 tại Đại học Cambridge đã phân tích mối quan hệ chặt chẽ, mức độ ảnh hưởng của gen lên sự phát triển của não bộ. Kết quả cho thấy các gen của người mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các trung tâm điều hành của hệ thần kinh.

Gần đây, một công trình nghiên cứu đã chỉ ra các gen thông mình nằm rải rác trên chuỗi AND nhưng có tới 2/3 tập trung ở các nhiễm sắc thể X. Do đó càng khẳng định việc trẻ được di truyền trí thông minh từ mẹ.

Khoa học Y tế Cộng đồng Scotland đã phỏng vấn hơn 12600 người trong khoảng 14-22 tuổi từ năm 1994 và phát hiện cách tốt nhất để dự đoán trí thông minh của trẻ là dựa vào chỉ số IQ của người mẹ. Kết quả cho thấy điểm kiểm tra chỉ số thông minh của con cao hơn 15% so với điểm của mẹ.

Trithongminh

Những nghiên cứu khác cho thấy sự bao bọc yêu thương của mẹ cũng ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ. Trẻ em thường xuyên tiếp xúc, nói chuyện, chơi đùa với mẹ có khả năng chơi những trò chơi mang tính biểu tượng phức tạp khi mới 2-3 tuổi. Ngoài ra, trẻ còn kiên trì và ít tức giận khi có chuyện không hay xảy ra.

Các nhà khoa học tại đại học Washington đã quan sát cách các bà mẹ giao tiếp với con trong 7 năm đầu và rút ra kết luận rằng mối quan hệ khăng khít mẹ con rất quan trọng cho sự phát triển não bộ của trẻ. Nó giúp tạo những nếp gấp, đường thẳng dài nằm ở hai bên bán cầu não trái. Đây là trung tâm của cảm xúc, trí nhớ và hệ thồng thần kinh. Não những đứa trẻ này lớn hơn 10% so với não của những đứa trẻ phải sống xa mẹ.

VOH online

Bình luận

Đọc Báo