Việt Nam cần làm gì khi cá tra bị “bôi xấu” ở châu Âu?

(VOH) - Vừa qua, hình ảnh cá tra Việt Nam đã bị “bôi xấu” ở thị trường châu Âu, khiến sản phẩm cá tra bị ngừng xuất khẩu vào Tây Ban Nha và nhiều nước khác.

Cá tra Việt Nam có giá trị dinh dưỡng cao (Ảnh minh họa: VTV)

Nếu không có những biện pháp xử lý kịp thời, cá tra Việt Nam có thể bị ảnh hưởng về thương mại dây chuyền sang các thị trường khác.

Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam về ảnh hưởng của sự việc và một số giải pháp để giải quyết vấn đề trên.

Mới đây, ngành xuất khẩu cá tra đón nhận tin không vui khi tập đoàn bán lẻ lớn nhất châu Âu là Carrefour tuyên bố ngưng tiêu thụ cá tra Việt Nam tại thị trường Tây Ban Nha, Ý, Pháp và một số nước khác.

Ngoài ra, một số tờ báo ở châu Âu cho biết, không ít trường học ở Tây Ban Nha đã từ chối tiêu thụ sản phẩm cá tra của Việt Nam.

Các công ty xuất khẩu cá tra cũng cho biết, không chỉ riêng ở Tây Ban Nha, thời gian qua cá tra Việt còn bị bôi xấu ở gần 10 quốc gia như Úc, Ý, Đức, Pháp…

Lý do là sản phẩm cá tra Việt ngày càng phổ biến trên thế giới và được đón nhận ở nhiều thị trường nhờ giá trị dinh dưỡng cao, giá cạnh tranh. Riêng tại thị trường châu Âu, cá tra Việt trở thành đối thủ lớn của các loại cá thịt trắng khác như cá minh thái, cá tuyết, cá hoki…

Ngoài ra, cá tra Việt đang cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu cá rô phi vào châu Âu như Trung Quốc (chiếm 80% lượng cá rô phi nhập khẩu vào châu Âu), Indonesia, Thái Lan… Vì vậy, không loại trừ khả năng các đối thủ dùng truyền thông để nói xấu cá tra Việt Nam nhằm bảo vệ hàng trong nước, cạnh tranh không lành mạnh.