Tìm cơ chế tháo gỡ cho việc cấp GCN quyền sử dụng đất

(VOH) - Vừa qua, để tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã tham mưu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 01, điều chỉnh, sửa đổi chi tiết thi hành Luật Đất đai, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, góp phần đưa Luật Đất đai đi vào cuộc sống. VOH có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Khuyến, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và môi trường.

 

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đất đai Lê Thanh Khuyến.

*VOH: Thưa ông, Nghị định 01 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai được ra đời trên tinh thần như thế nào?

- Ông Lê Thanh Khuyến: Luật Đất đai năm 2013 với tinh thần hết sức đổi mới đã quy định và triển khai nhiều quy định có tính chất đột phá để thúc đẩy việc phát triển kinh tế xã hội. Về cơ bản các nghị định, thông tư là đảm bảo thành một hệ thống pháp luật và được triển khai tương đối tốt ở các địa phương.

Với tinh thần hết sức đổi mới và cầu thị, Tổng cục quản lý đất đai cũng đi nghe thông tin hầu hết ở các địa phương. Trong đó, chúng tôi đánh giá rất cao chỉ đạo của UBND thành phố, Thành ủy thành phố cũng như các Sở, ngành có liên quan của thành phố trong quá trình phối hợp cùng với Tổng cục quản lý đất đai để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thi hành. Đầu năm 2015 là chúng tôi đã bắt đầu xây dựng nghị định này, vừa rồi, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định 01.

*VOH: Nội dung chính của Nghị định 01 tập trung vào những vấn đề nào?

- Ông Lê Thanh Khuyến: về chủ quan, chúng tôi cho rằng vướng mắc cơ bản trong việc tổ chức thi hành luật cũng như những hướng dẫn thi hành thì nghị định 01 đã giải quyết được vấn đề hết sức cân bằng, hết sức cụ thể và có tính khả thi cao.

Nội dung của nghị định tập trung vào 9 nhóm vấn đề lớn. Vấn đề thứ nhất là liên quan đến quy hoạch, kế hoạch, đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện. Đây là một trong những nội dung mà chúng tôi cho là hết sức linh hoạt, hết sức cụ thể để chúng ta phát triển kinh tế ở địa phương.

Thứ hai là vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp.

Thứ 3 cũng tháo gỡ các trường hợp thu hồi đất do vi phạm và các nghĩa vụ tài chính có liên quan.

Thứ tư là tháo gỡ vướng mắc xung quanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất.

Thứ năm là bổ sung những quy định cụ thể về các quyền cho người thuê tài sản đối với trường hợp thuê đất trả tiền hằng năm.

Thứ sáu là chế độ quản lý đất của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nhận đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân để sản xuất. Đây là một trong những điều chỉnh kịp thời theo chính sách của Chính phủ là phát triển nông nghiệp công nghệ cao và cũng là động lực lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Thứ bảy là tiếp tục cải cách hành chính.

Thứ tám là liên quan đến giá đất và vấn đề thứ chính là liên quan đến bồi thường tái định cư.

*VOH: Thưa ông, trước yêu cầu của công cuộc hội nhập và phát triển sâu rộng, tất yếu Luật cũng phải có những điều chỉnh phù hợp. Vấn đề sửa đổi, bổ sung để giúp cho Luật Đất đai thực sự giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực thi, tạo động lực góp phần phát triển đất nước sẽ được Cục Quản lý đất đai thực hiện như thế nào?

- Ông Lê Thanh Khuyến: Trong thời gian tới, ngành định hướng một số nội dung sẽ tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn; Đó là việc mà chúng ta phải sơ kết nghị quyết 19 về tiếp tục đổi mới chính sách, đất đai trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cũng đồng thời sơ kết lại 3 năm thi hành Luật Đất đai.

Về phía nghị định thì chúng ta đã xử lý nhưng còn trong Luật còn có những vấn đề nữa thì chúng ta cũng phải tiếp tục có những tháo gỡ, tiếp tục cải cách trên tinh thần cầu thị. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với TPHCM cũng như các địa phương tìm cơ chế tháo gỡ cho việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hiện nay, chúng ta mới cấp được khoảng 95,2% giấy chứng nhận, số còn lại thì bây giờ phải có giải pháp. Và một điều nữa là về tài chính đất đai, bước đầu chúng tôi đã đưa ra được các quy trình, các phương pháp tương đối tốt. Nhưng so với thực tiễn, so với yêu cầu cuộc sống thì chúng ta thấy là còn phải tiếp tục cải cách. Chúng tôi cho đây là một trọng tâm phải cải cách để đáp ứng hơn nữa yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp cận về đất đai cũng như cơ chế tài chính dễ dàng hơn.

*VOH: Cảm ơn ông!