Những điểm nhấn về đầu tư nước ngoài tại TPHCM

(VOH) - Có thể nói, trong suốt gần 3 thập kỷ qua, vốn đầu tư nước ngoài FDI đã góp phần quan trọng vào nguồn ngân sách của TP và TPHCM tự hào luôn là một trong những địa phương đi đầu về thu hút và thực hiện vốn FDI.

Một góc khu công nghệ cao TPHCM (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Quay ngược thời gian, chúng ta thấy rằng, làn sóng đầu tiên về đầu tư nước ngoài vào VN được đánh dấu bằng sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài vào năm 1987. Ngay khi Luật có hiệu lực, đầu tư nước ngoài vào TP đã không ngừng tăng lên và luôn duy trì ở mức cao so với địa phương khác.

Làn sóng thứ hai của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được đánh dấu bằng sự kiện nước ta trở thành thành viên chính tức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Và thời kỳ đỉnh cao của vốn FDI vào TP chính là giai đoạn 2007-2008. Cụ thể, năm 2008, TPHCM đạt kỷ lục về thu hút vốn FDI với tổng số dự án thu hút được là 546 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 8.000 tỷ USD, gấp 2,9 lần so với năm 2007.

Tuy nhiên, sau đó, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối năm 2008, số lượng vốn đầu tư nước ngoài vào VN và TPHCM có sự sụt giảm nghiêm trọng. Dù vậy, vốn FDI vào TP đã nhanh chóng lấy lại đà phục hồi, tuy không còn tăng mạnh như giai đoạn trước.

Đóng góp tích cực của FDI thể hiện rõ rệt nhất qua sự biến chuyển của bức tranh cơ cấu ngành. Những năm gần đây, FDI đã đóng góp vào việc thực hiện tái cấu trúc các sản phẩm xuất khẩu theo hướng giảm dần các sản phẩm nguyên vật liệu thô, chuyển dần sang các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đã qua tinh chế. FDI tập trung vào các sản phẩm công nghiệp nhẹ và bất động sản, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các ngàng công nghiệp khác phát triển như: thông tin liên lạc, công nghệ thông tin, sản xuất hàng tiêu dùng...

Bên cạnh nguồn vốn, doanh nghiệp FDI cũng được xem là người đi tiên phong trong việc đào tạo và nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực ở TP, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của chính các doanh nghiệp này và tiếp cận dần với các tiêu chuẩn quốc tế về nguồn nhân lực. Đặc biệt, FDI cũng đóng góp vào việc rái cải thiện thu nhập cho người dân thông qua tái cấu trúc ngành nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sử dụng các giống mới, nâng cao năng suất lao động và giảm nghèo cho TP.

Tuy vậy, theo Cục Thống kê TPHCM, từ đầu năm đến nay, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố lại liên tiếp sụt giảm. Tính đến trung tuần tháng 5 vừa qua, TP thu hút được gần 650 triệu USD vốn FDI, giảm gần 408 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Và theo số liệu mới nhất vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố hồi đầu tuần này cho thấy, trong nhóm 4 địa phương dẫn đầu về thu hút FDI trong 6 tháng đầu năm, không có TPHCM.

Trước thực tế khó khăn này, TPHCM cần tiếp tục phát huy những thế mạnh, thay đổi tư duy chiến lược về thu hút và sử dụng FDI. Chiến lược này cũng cần được đặt trong mối liên hệ với các địa phương khác nhằm đạt được sự hài hòa và phù hợp với mục tiêu phát triển của từng vùng và kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia.

Bên cạnh đó, chính quyền và các cơ quan chức năng của TP cần có những chính sách khuyến khích để phát triển các loại hình liên doanh, liên kết, phát triển các ngành sản xuất phụ trợ và hỗ trợ xuất khẩu theo định hướng chiến lược nhằm giúp các doanh nghiệp của TP tham gia tích cực hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và định hình một ngành công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất tại TP.

Để làm được điều này, chiến lược thu hút FDI của TP cần tập trung vào những ngành mũi nhọn là thế mạnh của mình như công nghệ kỹ thuật cao, cơ khí, chế tạo, thương mại dịch vụ chất lượng cao…