Giải quyết các vấn đề để phát triển mô hình liên kết chuỗi giá trị chăn nuôi

(VOH) - Sáng 17/12, Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng và tổng kết thí điểm quản lý heo đực giống và thức ăn chăn nuôi.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thắng

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục Trưởng Cục Chăn nuôi, năm 2014, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi cả nước tăng 4 - 5% so với năm 2013, trong đó bò sữa tăng mạnh nhất 12%, thức ăn chăn nuôi 6%, heo 3%, gia cầm 5%.

Hiện cả nước đã có các mô hình liên kết dọc, ngang, liên kết chăn nuôi gia công theo các cấp độ giữa các doanh nghiệp, HTX với người chăn nuôi đạt hiệu quả khả quan. Trong đó, chuỗi liên kết trong chăn nuôi, sản phẩm sữa là chặt chẽ, hiệu quả nhất.

Thời gian tới, Cục chăn nuôi sẽ định hướng cho chăn nuôi heo, gia cầm theo hướng trên. Theo Cục Thú y nhận định cùng với xây dựng chuỗi liên kết, việc xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh ở đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam bộ cũng được đặt ra, để sản xuất sản phẩm động vật an toàn, vừa cho tiêu thụ nội địa vừa cho xuất khẩu.

Tại TPHCM, từ thực tiễn mô hình liên kết sản xuất theo VietGap, ngành nông nghiệp chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ như tư vấn, tập huấn, khuyến nông, thú y... kết hợp chứng nhận là vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, chứng nhận các sản phẩm an toàn. Liên kết còn xuất hiện giữa TP với các địa phương.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đã có đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh và cạnh tranh thị trường. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cần có những đột phá, có các giải pháp để xoay chuyển tình hình chăn nuôi bắt đầu từ 2015.