Thiệt hại lớn vì chậm ứng dụng công nghệ

(VOH) - Ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá xây dựng nền nông nghiệp nước ta phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Việt Nam là một trong những nước có nguồn nông sản phong phú và đa dạng trên thế giới. Nông sản của nước ta không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn trở thành mặt hàng xuất khẩu, nhưng thực tế cũng cho thấy chất lượng các sản phẩm xuất khẩu chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do công nghệ và thiết bị sau thu hoạch còn nhiều hạn chế, dẫn đến giá trị xuất khẩu nông sản chưa cao do chủ yếu xuất đi dưới dạng thô, tỷ lệ sản phẩm chế biến thấp, giá trị gia tăng và lợi ích mang lại cho nông dân còn khiêm tốn. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sau thu hoạch để giảm thiệt hại, nâng cao giá trị nông sản là tất yếu.          

VN cần ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp để giảm thiệt hại, nâng cao giá trị nông sản. Trong ảnh: Thu hoạch cà rốt bằng máy tại Israel. Ảnh: bvtvhcm

Quy trình xử lý và bảo quản thực phẩm là một trong những khâu quan trọng nhất trong quá trình từ sản xuất cho đến tiêu thụ thực phẩm. Tuy nhiên những công nghệ đang được áp dụng trong quy trình đều có nhược điểm lớn như hiệu suất thấp, giá thành cao, ít ổn định. Thực trạng tổn thất nông sản thực phẩm ở nước ta trong thời gian qua là khá lớn. Theo Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, nếu giá lúa trung bình 5.000 đồng/kg, tổn thất sau thu hoạch ở tỷ lệ khoảng 13,7%, với sản lượng lúa khoảng 21 triệu tấn/năm của đồng bằng sông Cửu Long thì giá trị thiệt hại lên đến 13.700 tỉ đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, thất thoát trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, bảo quản...rau củ quả tươi cũng không nhỏ. Theo ông Nguyễn Quốc Vọng, Công ty Giống Cây trồng miền Nam, mỗi ngày có trên 400.000 tấn rau củ, trái cây từ Lâm Đồng đưa về TPHCM và các địa phương khác. Nhiều sản phẩm bị hư hỏng trong quá trình thu hoạch, vận chuyển, phân phối. Đối với cây rau, ước tính chung, thiệt hại sau thu hoạch 30% tương đương 4,2 triệu tấn rau/năm bằng khoảng 100.000 hécta đất sản xuất rau. Nếu giảm được tổn thất này, sẽ tăng được sản lượng rau hoặc chuyển diện tích này sang một số cây trồng khác.

Nhấn mạnh về thất thoát sau thu hoạch và thiếu cơ sở sơ chế, Thạc sĩ Nguyễn Duy Đức, Phó Phân viện Trưởng Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho hay: "Rau củ quả thì tổn thất rất lớn, từ 25% đến 30%, các hệ thống bảo quản sơ chế đặc biệt là nhà đóng gói sơ chế hiện tại chỉ có khoảng 20 cái".

Không chỉ thất thoát trong thu hoạch, vận chuyển mà thiệt hại còn do chúng ta sử dụng các công nghệ cũ, truyền thống, chi phí cao, Thạc sĩ Thái Văn Phước, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, chia sẻ: "Trong quy trình xử lý bảo quản thực phẩm, hiện nay một số phương pháp truyền thống, đó là phương pháp hoá học hoặc hoá lý; sử dụng các chất bảo quản hoặc một số phương pháp như siêu âm hoặc chiếu xạ thì tất cả những phương pháp truyền thống hoặc đang sử dụng thì có những nhược điểm rất lớn, đó là lắp ráp vận hành tốn nhiều công sức, hoặc là ảnh hưởng đến môi trường, hay là chiếu tia X hoặc siêu âm tốt nhưng rất tốn kém".

Trong quá trình chế biến thuỷ sản xuất khẩu, một nguồn phụ phế liệu còn lớn, cần được xử lý, tăng giá trị. Ví dụ với con cá tra, Tiến sĩ Nguyễn Văn Nguyện, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng và Công nghệ sau thu hoạch, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2 nhận xét: "Quá trình chế biến của các nhà máy chế biến cá tra hiện nay, là tách phi lê đông lạnh để xuất khẩu, thì về mặt nào đó, chúng ta thấy sản phẩm của chúng ta vẫn chưa có giá trị gia tăng vẫn chỉ là sản phẩm thô. Do đó, giá trị của sản phẩm này chưa cao, đó là một trong những vấn đề làm cho nghề nuôi của chúng ta chưa đạt đến những nấc cao hơn. chúng tôi thấy rằng sau khi sản xuất phi lê xong thì chúng ta còn lại những sản phẩm khác như da, thịt vụn, nội tạng, xương…".

Việc áp dụng các công nghệ sau thu hoạch để giảm tổn thất nông sản trong thời gian gần đây đã được Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, ngành nông nghiệp quan tâm nhiều hơn. Cụ thể như tăng cơ giới hoá thu hoạch lúa để giảm thất thoát hoặc áp dụng sơ chế, đóng gói, sấy, cô đặc rau, củ, trái cây để bảo quản lâu hơn.