An toàn hàng không: “Không vi phạm nào nhỏ, một vụ tai nạn là quá nhiều!”

(VOH) - Khi càng có nhiều vụ tai nạn máy bay thương tâm xảy ra trên thế giới, ngành hàng không Việt Nam vẫn giữ vững được an toàn bay, không để xảy ra sự cố đáng tiếc nào về người trong suốt 17 năm qua.

(Ảnh minh họa: dddn)

Thế nhưng, không vì thế mà chủ quan, ngành hàng không nước ta đã đặt ra tiêu chí “Không vi phạm nào là nhỏ, một tai nạn là quá nhiều”. Những rủi ro thấy rõ là thị trường vận tải hàng không tăng đột biến, nhân lực chất lượng cao, được đào tạo chuyên ngành thiếu trầm trọng; trách nhiệm người thi hành công vụ còn nhiều khiếm khuyết, sai sót. Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam cũng thừa nhận hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật cũng như tiêu chuẩn an toàn hàng không chưa thực sự đồng bộ; kèm theo đó là những yếu tố năng lực hạ tầng hàng không vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khai thác của thị trường.

Xung quanh vấn đề về an toàn bay, phóng viên VOH phỏng vấn ông Khuất Việt Hùng - Phó Ban chuyên trách, Ủy Ban An toàn Giao thông Quốc gia VN.

* Thưa ông, trong năm 2014 vừa qua, hàng không VN tuy không có tai nạn nào nhưng có một số vụ việc xảy ra uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn bay. Ông nhìn nhận như thế nào về an toàn hàng không hiện nay?

Ông Khuất Việt Hùng: Hàng không VN được thế giới đánh giá là một trong những ngành hàng không an toàn trên thế giới. Tất nhiên, chúng ta không bao giờ được phép hài lòng. Trong khi đó, năm 2014, hàng không thế giới liên tục xảy ra rất nhiều vụ việc. Ngay láng giềng chúng ta là Malaysia thì hãng hàng không xảy ra 2 vụ, hãng Air Asia xảy ra 1 vụ.

Trong chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020 và định hướng 2030, tái cấu trúc trong vận tải hành khách thì vai trò trong vận tải hàng không ngày càng quan trọng. Có thể thấy, sản lượng vận tải hàng không năm 2014 tăng hơn 17% so với năm 2013, tức là số chuyến bay tăng lên, số hành khách tăng lê và đặc biệt là tăng trưởng của hàng không giá rẻ, có nghĩa là lượng hành khách mới tham gia giao thông bằng đường hàng không tăng rất nhanh.

Vì vậy năm 2014, những vụ việc mất an toàn, gọi là uy hiếp an toàn hàng không cũng tăng cao về số vụ so với năm 2013. Nếu chúng ta so với số chuyến bay và số hành khách thì vẫn giảm hơn so với năm 2013, kể cả so với số lần cất hạ cánh và số hành khách. Tuy nhiên, năm 2014 mặc dù chúng ta không xảy ra tai nạn nhưng trong ngành hàng không dân dụng VN đã xảy ra một số sự cố uy hiếp đến an ninh hàng không. Điển hình như vụ mất điện Đài kiểm soát không lưu ở sân bay Tân Sơn Nhất, vụ hai tàu bay có nguy cơ va chạm vào nhau và cả vụ việc may bay của VietJet chở nhầm hành khách của một chuyến bay khác.

Đó là lời cảnh báo rất quan trọng cho giai đoạn tiếp theo, bởi vì giai đoạn 2015-2020 là giai đoạn trọng tâm của quá trình tái cơ cấu rất mạnh mẽ trong dịch vụ vận tải của hàng không VN nói chung và dịch vụ vận tải hành khách nói riêng.

* Như ông vừa nói thì giai đoạn 2015 – 2020 là giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ của ngành hàng không. Như vậy, ngành Vận tải Hàng không Việt Nam chúng ta đã có những lộ trình, hoạch định như thế nào để thực hiện việc tái cơ cấu này - thưa ông?

Ông Khuất Việt Hùng: Theo đề án tái cơ cấu của ngành vận tải Chính phủ đã phê duyệt, trước đây, hành trình đi lại của người dân về đường bộ và đường sắt chiếm rất nhiều thị phần. Nhưng đặc biệt trong năm 2014, những chuyến đi có cự li dài (từ 500 cây số trở lên) chuyển dịch sang hàng không rất lớn.

Chúng tôi khẳng định năm 2015 đến những năm tiếp theo, xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng hàng không của Cục Vận tải Hàng không VN tiếp tục gia tăng, tần suất chuyến bay, lượng khách đặc biệt là hành khách mới gia nhập thị trường hàng không sẽ gia tăng rất lớn. Đó chính là tại sao mà năm 2015 bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm an toàn hàng không, trật tự giao thông đường bộ, đường sắt, hàng hải… thì an toàn trong vận tải hàng không được Ủy ban an toàn giao thông quốc gia, an ninh hàng không và các bộ, ngành đặc biệt quan tâm.

Về xây dựng văn hóa an toàn hàng không, rất nhiều doanh nghiệp từ Cục hàng không, từ cảng, đến doanh nghiệp vận tải hàng không đều nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của văn hóa hàng không, con người. Những con người tham gia trong quá trình của hoạt động hàng không từ quản lý Nhà nước (Cục hàng không) cho đến quá trình cung cấp dịch vụ tại sân bay, những người điều hành trang thiết bị tại sân bay, những người vệ sinh trên đường băng, trong nhà ga, hệ thống những người làm công tác bảo đảm an ninh hàng không (soi chiếu, phát hiện…) và những người cung cấp dịch vụ hàng hải… đến những người cung cấp dịch vụ trên tàu bay, kể cả quá trình quản lý phương tiện kỹ thuật máy bay. 

* Để thực hiện mục tiêu “không có tai nạn hàng không”, theo ông, ngành Vận tải Hàng không Việt Nam cần có những biện pháp nào để tăng cường an ninh hàng không trong năm 2015 và những năm sau này?

Ông Khuất Việt Hùng: Chúng ta thực hiện mục tiêu: “VN luôn luôn là điểm đến an toàn, hàng không VN là ngành hàng không an toàn nhất thế giới, không xảy ra tai nạn”. Chúng tôi đưa ra khẩu hiệu: “Không vi phạm nào là nhỏ, một vụ vi phạm là quá nhiều”.

Chúng ta không để xảy ra tai nạn và cố gắng trong quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ hàng không, chúng ta cố gắng không để xảy ra lỗi nào cả. Bởi vì, một lỗi rất nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả lớn.

Một năm, xảy ra 3 vụ liên quan đến hàng không nhưng cả thế giới rúng động. Nếu tính MH370, MH17 và vụ của Air Asia vừa rồi thì chúng ta mất khoảng 800 người. Thật ra, giao thông VN năm vừa rồi VN có 8.986 người chết, nhưng tại sao tai nạn hàng không lại gây ra sự sợ hãi lớn, gây mất niềm tin đối với người dân trên thế giới và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi, hội nhập, phát triển, không chỉ của những hãng hàng không đó, không chỉ của các quốc gia, mà của toàn cầu.

Tai nạn hàng không đã tạo ra sự xáo trộn, đồng thời nó đòi hỏi, đặt ra rất nhiều câu trả lời, mà việc trả lời những câu hỏi này tạo ra những chi phí rất lớn, cả chi phí tài chính lẫn chi phí xã hội. Vì vậy, chúng ta thực hiện mục tiêu “không có tai nạn trong hàng không”.

* Xin cảm ơn ông.