520 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết

(VOH) - Sáng 31/10, Ủy ban Nhân dân TPHCM tổ chức sơ kết Chương trình hợp tác Thương mại Kết nối cung, cầu giữa thành phố và các tỉnh, thành Đông, Tây Nam bộ.

Tính đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp của TPHCM đã thực hiện 69 dự án liên kết, sản xuất kinh doanh với các tỉnh, thành Đông, Tây Nam bộ với số vốn đầu tư gần 24.000 tỷ đồng. Trong đó, có 23 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường thực hiện 40 dự án cung cấp hàng hóa với số vốn hơn 14.000 tỷ đồng.

Hội nghị sơ kết Chương trình hợp tác thương mại và kết nối cung – cầu giữa thành phố với các tỉnh, thành phố năm 2014. Ảnh: NDĐT

Qua chương trình liên kết này, các doanh nghiệp của thành phố đã tiêu thụ hàng hóa cho các tỉnh, thành này hơn 32.000 tỷ đồng. Chương trình đã tạo nguồn cung hàng hóa ổn định và chất lượng cho các doanh nghiệp của thành phố, đồng thời góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa cho nông dân và các nhà sản xuất ở các tỉnh, thành Đông, Tây Nam bộ.

Về sự nối kết giữa TPHCM với các tỉnh, ông Đoàn Minh Triết - Phó giám đốc Sở Công Thương An Giang nói: "Sở Công Thương An Giang mời Sở Công Thương TPHCM và các doanh nghiệp TPHCM về An Giang để ký  kết hợp tác lần thứ hai, đợt này có 9 doanh nghiệp An Giang đã ký với các doanh nghiệp TPHCM với 23 hợp đồng, trong 23 hợp đồng này thì hiện tại các doanh nghiệp đang xúc tiến các vấn đề thủ tục, trao đổi hàng hóa, ngược lại, cũng có một số doanh nghiệp An Giang đã đưa được hàng hóa về các siêu thị, trung tâm thương mại của TPHCM".

Các doanh nghiệp TPHCM thông qua Chương trình Kết nối đã đẩy mạnh việc đầu tư phát triển hệ thống phân phối tại các tỉnh, thành như: Liên hiệp Hợp tác xã Thương thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn Co.op), Công ty cổ phần Phát hành Sách (Fahasa), Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim (Siêu thị Nguyễn Kim), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Siêu thị BigC An Lạc... Tính đến thời điểm hiện nay, các Doanh nghiệp đã đầu tư tại các tỉnh, thành 1 trung tâm thương mại, 90 siêu thị tổng hợp, chuyên ngành; 55 cửa hàng giới thiệu sản phẩm và nhiều mạng lưới đại lý, nhà phân phối tại khắp các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước như Vinamilk, Nutifood, Vissan, Cầu Tre, Vifon, Fahasa, Minh Tiến, Hương Mi... Bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho rằng: "Qua 3 năm thực hiện kết nối cung cấp, chúng tôi tâm đắc nhất là sự kết nối giao thương thành công giữa các doanh nghiệp, hệ thống phân phối cũng như các nhà tiêu thụ với nhà sản xuất, chứng minh cho sự thành công đó là số lượng hợp đồng từng năm tăng lên, số doanh nghiệp cũng tăng, góp phần tăng thị trường của hàng Việt, hàng sản xuất trong nước, giúp cho nhà sản xuất có ý thức hơn trong sản xuất hàng tiêu dùng, nâng về chất lượng sản phẩm, mẫu mã và có thể đưa vào các hệ thống phân phối và lưu thông khắp cả nước".

Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình Kết nối cung - cầu hàng hóa đã có 520 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết. Trong đó, có 434 hợp đồng đã được triển khai thực hiện và 86 hợp đồng đang trong quá trình thương thảo, tổng trị giá trên 19.000 tỷ đồng, trong đó, hệ thống phân phối TPHCM đã tiêu thụ hàng hóa cho các tỉnh, thành trị giá trên 13.000 tỷ đồng và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành trên 6.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 3 chợ đầu mối của TPHCM tiếp nhận sản lượng bình quân 8.000 tấn/ngày các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Đỗ Thắng Hải đánh giá cao những thành quả của TPHCM khi thực hiện chương trình này: "Thông qua chương trình này, TPHCM đã trở thành địa phương đi đầu trong cả nước trong việc phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương tổ chức thực hiện liên kết xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu góp phần bình ổn thị trường. Chương trình đã trở thành 1 trong những công cụ điều tiết thị trường hữu hiệu của TPHCM, đồng thời là động lực để khuyến khích các địa phương tham gia các chuỗi cung cứng hàng hóa từ khâu sản xuất đến phân phối và tiêu thụ, phục vụ nhu cầu trong nước, phát triển kinh tế và đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho người dân".