Phát triển bền vững 24/4: Đối tượng nào được tham gia trao đổi trên thị trường carbon?

VOH - Vinamilk ,Thép Hòa Phát Dung Quất được BSI trao giấy công bố kiểm tra, xác nhận khí nhà kính.

Đối tượng nào được tham gia trao đổi trên thị trường carbon?

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và bảo vệ tầng ô-dôn. Trong đó bổ sung các quy định liên quan đến giao dịch tín chỉ carbon.

Phát triển bền vững 24/4: Đối tượng nào được tham gia trao đổi trên thị trường carbon? 1

Theo Điều 16 Nghị định 06, đối tượng tham gia thị trường carbon bao gồm 3 đối tượng. Một là cơ sở phải thực hiện kiểm kê KNK. Hai là tổ chức thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế. Ba là tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, quy định này chưa xác định chi tiết đối tượng tham gia trao đổi hạn ngạch phát thải KNK, đối tượng tham gia trao đổi tín chỉ carbon.

Đối với Việt Nam, thị trường trao đổi tín chỉ carbon đã có nhiều hoạt động giao dịch dưới hình thức thỏa thuận, trong khi thị trường trao đổi hạn ngạch phát thải KNK đang trong quá trình thiết lập.

Do đó, để tăng sự ổn định của thị trường, Bộ TN-MT đề xuất sửa đổi Điều 16 theo hướng mở rộng đối tượng được tham gia trao đổi trên thị trường carbon trong nước.

Một là đối tượng tham gia trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính là cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính.

Hai là đối tượng tham gia trao đổi tín chỉ carbon gồm: các cơ sở được phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính; các tổ chức có chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon.

Kết quả kiểm kê khí nhà kính cần được thẩm định bởi đơn vị độc lập

Bộ Tài nguyên và môi trường đề xuất kết quả kiểm kê khí nhà kính của các đơn vị được phân bổ hạn ngạch phát thải cần được thẩm định bởi đơn vị độc lập trước khi gửi Chính phủ.

Đây là những bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới thiết lập thị trường tín chỉ carbon bắt buộc. Cụ thể, với thị trường tín chỉ carbon bắt buộc, các cơ sở sẽ được phân bổ hạn ngạch, phát thải trên mức hạn ngạch sẽ bị phạt, còn cơ sở phát thải dưới mức hạn ngạch thì phần thừa có thể quy thành tín chỉ carbon, bán cho các đơn vị khác.

Qua quá trình nhận được góp ý từ các tổ chức, chuyên gia, Bộ Tài nguyên và môi trường đề xuất sửa đổi một số quy định thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính. Cụ thể, Nghị định 06 quy định việc thẩm định kết quả kiểm kê khí thải thuộc về cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, công tác này nên giao cho các đơn vị thẩm định độc lập để nâng cao độ chính xác, minh bạch. Chính vì vậy, tại dự thảo sửa đổi Nghị định 06, Bộ Tài nguyên mà môi trường đề xuất các đơn vị thẩm định độc lập sẽ đảm nhiệm việc thẩm định kết quả kiểm kê phát thải trước khi nộp cho Chính phủ.

Viện Tiêu chuẩn Anh quốc (BSI) chứng nhận thêm một nhà máy của Vinamilk đạt trung hòa carbon

Trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Vinamilk công bố Nhà máy Nước giải khát Việt Nam đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế PAS 2060:2014.

Phát triển bền vững 24/4: Đối tượng nào được tham gia trao đổi trên thị trường carbon? 2

Vinamilk đang sở hữu tới 3 đơn vị (gồm 2 nhà máy và 1 trang trại) đạt chứng nhận về trung hòa Carbon, cho thấy những bước tiến quyết liệt của doanh nghiệp trên con đường tiến đến mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Theo chứng nhận này, tổng lượng carbon được trung hòa tại nhà máy theo phạm vi 1 và phạm vi 2 (scope 1 & 2) là 3.410 tấn CO2e. Kết quả này đến từ nỗ lực kép: cắt giảm phát thải trong sản xuất đồng thời duy trì quỹ cây xanh để hấp thụ khí nhà kính trong nhiều năm qua.

Nhà máy Nước giải khát Việt Nam nằm tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, được Vinamilk xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2010. Nhà máy được liên tục đầu tư nâng cao năng lực sản xuất, hiện nay, có công suất thiết kế hơn 282 triệu sản phẩm/năm và đang sản xuất các dòng sản phẩm phổ biến của Vinamilk như sữa chua uống Susu và Yomilk, sữa bột pha sẵn cho người lớn Sure Prevent, nước uống Icy…

Thép Hòa Phát Dung Quất được BSI trao giấy công bố kiểm tra, xác nhận khí nhà kính

Sáng 24/4, Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất đóng tại địa bàn Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) cho biết, BSI-Tổ chức chứng nhận quốc tế hàng đầu của Vương quốc Anh vừa trao Giấy công bố kiểm tra, xác nhận khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 và ISO 14067:2018 cho các dòng/mã sản phẩm đang sản xuất tại Thép Hòa Phát Dung Quất, đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính của Công ty.

Theo ông Hồ Đức Thọ, Phó Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất, việc thực hiện thu thập các dữ liệu, lập báo cáo và xác định định lượng phát thải khí nhà kính có ý nghĩa rất quan trọng đối với Thép Hòa Phát Dung Quất. Công ty sẽ tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch quản lý theo dõi, báo cáo kiểm kê khí nhà kính định kỳ, thường xuyên, đồng thời tối đa số hóa các công cụ thu thập, theo dõi dữ liệu, phục vụ quá trình truy xuất, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác.

“Đây là thành công bước đầu của Công ty trong việc chủ động cập nhật và thực hiện các giải pháp để đáp ứng, nâng cao năng lực theo các yêu cầu mới, rộng đường xuất khẩu cho các mã/dòng sản phẩm chất lượng cao khác của Thép Hòa Phát Dung Quất ở các thị trường trên toàn thế giới trong tương lai”, ông Thọ chia sẻ.