Ăn no vẫn có thể bị suy dinh dưỡng?

VOH - Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, không phải mỗi bữa ăn no đủ là có thể tránh được tình trạng suy dinh dưỡng.

Mọi người thường nghĩ rằng chỉ cần ăn no đủ thì sẽ không gặp vấn đề gì về dinh dưỡng. Tuy nhiên, thói quen ăn uống phổ biến trong cuộc sống hiện đại dễ dẫn đến tình trạng “số lượng” và “chất lượng” không tỷ lệ thuận với nhau.

Con người sống trong thời đại ngày nay dễ mắc phải tình trạng “đói tiềm ẩn” và dễ mắc các triệu chứng như mệt mỏi, rụng tóc và thiếu máu.

Các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ 3 cách có thể giúp con người giảm đáng kể nguy cơ “đói tiềm ẩn” mà mọi người có thể tham khảo qua bài viết dưới đây.

vhv---annovancothesuydinhduong
“Đói tiềm ẩn” là tình trạng cơ thể không cảm thấy đói và có vẻ như đã ăn no đủ nhưng thực chất lại thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định - Ảnh: TVBS

 “Đói tiềm ẩn” là gì?

Giản Ngọc Hoa, chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm người Đài Loan-Trung Quốc cho biết, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), “đói tiềm ẩn” là đề cập đến tình trạng không cung cấp đủ vitamin và khoáng chất, cũng có thể được gọi là “đói mãn tính” hoặc “thiếu hụt vitamin và khoáng chất mãn tính”. Tình trạng này không gây ra cảm giác đói do thiếu calo nhưng không đáp ứng được hàm lượng vitamin hoặc khoáng chất cơ bản mà cơ thể cần.

“Đói tiềm ẩn” còn được các chuyên gia dinh dưỡng cho biết đó là tình trạng cơ thể không cảm thấy đói và có vẻ như đã ăn no đủ nhưng thực chất lại thiếu một số chất dinh dưỡng nhất định. Cái gọi là “đói tiềm ẩn” chủ yếu là do thiếu hụt vitamin và khoáng chất, hai loại vi chất dinh dưỡng chính rất cần thiết cho cơ thể.

Bởi vì “đói tiềm ẩn” không tạo ra cảm giác rõ ràng hoặc các vấn đề sức khỏe ngay lập tức nên con người hiện đại có thể không phát hiện được vấn đề này ngay lập tức. Tuy nhiên, một số triệu chứng có thể xuất hiện theo thời gian, chẳng hạn như mệt mỏi, rụng tóc, thiếu máu… có thể liên quan đến việc thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất do tình trạng “đói tiềm ẩn” gây ra.

Cần chú ý bổ sung những loại vitamin và khoáng chất nào?

Chuyên gia dinh dưỡng Giản Ngọc Hoa cho biết, vì chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt của mỗi người là khác nhau nên các chất dinh dưỡng mà cơ thể có thể thiếu hụt cũng sẽ khác nhau. Theo kết quả nghiên cứu về thay đổi tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng của các chuyên gia dinh dưỡng cho thấy, các chất dinh dưỡng có lượng tiêu thụ tương đối sai lệch nhau của con người hiện đại bao gồm khoáng chất canxi, vitamin D và vitamin E. Mọi người có thể tham khảo bảng lượng khoáng chất canxi, vitamin D và vitamin E khuyến nghị hàng ngày để làm cơ sở cho chế độ ăn uống cá nhân mình.

3 cách ngăn chặn tình trạng “đói tiềm ẩn”

Chuyên gia dinh dưỡng Giản Ngọc Hoa chia sẻ 3 cách giúp mọi người giảm đáng kể nguy cơ “đói tiềm ẩn”:

Đáp ứng nhu cầu hấp thụ 6 loại thực phẩm chủ yếu

Ngoài việc cung cấp các chất dinh dưỡng đa lượng, 6 loại thực phẩm chính còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Miễn là lượng tiêu thụ phù hợp với lượng khuyến nghị trong bảng hướng dẫn chế độ ăn uống, cơ thể của mọi người sẽ có thể nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng.

Theo đặc điểm thành phần của thực phẩm, nó có thể được chia thành sáu loại chính như sau: ngũ cốc nguyên hạt; đậu, cá, trứng, thịt; các sản phẩm từ sữa; rau củ quả, các loại dầu và các loại hạt.

Giảm tần suất ăn thực phẩm chế biến sẵn

Thực phẩm chế biến sẵn thường che giấu vấn đề lượng calo cao nhưng không đủ chất dinh dưỡng, chuyên gia khuyến cáo nên giảm tần suất ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn.

Kết hợp dùng các sản phẩm sức khỏe theo nhu cầu cơ thể

Nếu lượng thức ăn nguyên bản nạp vào không đủ thì nên lấy lượng thức ăn nguyên bản này làm cơ sở bổ sung dùng các sản phẩm sức khỏe. Nếu bổ sung không đầy đủ chất dinh dưỡng do thói quen sinh hoạt, các chuyên gia dinh dưỡng có thể đánh giá xem mọi người có cần bổ sung các sản phẩm sức khỏe hay không và chú ý đến liều lượng để tránh suy dinh dưỡng và đạt được hiệu quả nâng cao sức khỏe.