Xét tuyển ĐH, CĐ 2016: chọn sao cho có lợi?

(VOH) – Đây là thời điểm các thí sinh quyết định chọn trường, chọn ngành để nộp hồ sơ xét tuyển đại học cao đẳng. Lựa chọn như thế nào để các em có được kết quả tốt nhất, phù hợp nhất?

Ban tư vấn tại ngày hội tư vấn tuyển sinh 2016. Ảnh: Tuyết Nhung

Ngày 1/8 các thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1 vào các trường Đại học, cao đẳng. Mặc dù theo quy định, ngoài đợt xét tuyển này, các thí sinh còn có thêm 2 đợt xét tuyển bổ sung, tuy nhiên, theo các chuyên  gia, ở những đợt bổ sung, số lượng trường tốt sẽ hạn chế hơn nhiều. Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc, lựa chọn cẩn thận để đưa ra những quyết định hợp lý và đúng đắn nhất.

Chọn trường, ngọn ngành yêu thích

Tiêu chí chọn trường, chọn ngành đầu tiên cần được xác định dựa trên sở thích, nguyện vọng của mình. Trên cơ sở đó, các thí sinh đối chiếu điểm thi của mình với điểm chuẩn các trường có ngành mình yêu thích trong những năm gần đây.

Theo các chuyên gia, phổ điểm năm nay tương đương với phổ điểm năm 2015. Tuy nhiên, do số lượng thí sinh dự thi ít hơn, nên điểm chuẩn khả năng sẽ giảm nhẹ so với 2015. Vì vậy, thí sinh có thể cân nhắc các ngành học yêu thích có điểm chuẩn bằng hoặc thấp hơn khoảng nửa điểm so với năm 2015.

Dự đoán điểm đầu vào của trường, tiến sĩ Lê Tuấn Lộc, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết trong kỳ thi vừa rồi, phổ điểm, điểm kết quả thấp hơn năm ngoái nên có khả năng điểm xét tuyển vào trường cũng thấp hơn. Cơ sở để quyết định nộp hồ sơ vào trường dựa vào nhiều yếu tố, thứ nhất là điểm trúng tuyển năm ngoái. Đề thi và cách xét tuyển năm nay. Tôi nghĩ rằng điểm có thể thấp hơn, nhưng tất cả mọi thứ đều là dự đoán.

"Thời điểm Bộ công bố phổ điểm của tất cả các môn để tạo thành các tổ hợp, từ đó đưa ra điểm sàn chung của Bộ, tôi nghĩ rất quan trọng. Các em nên chờ thời điểm đó để xem điểm của mình so với điểm sàn của Bộ công bố và  phổ điểm của các tổ hợp thi vào các ngành các trường mình quan tâm", Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nông Lâm gợi ý.

Chọn 1 trường lấy điểm cao và 1 trường lấy điểm thấp hơn

Việc có được 2 nguyện vọng cho mỗi trường, cũng như mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển vào 2 trường trong đợt tuyển sinh đầu tiên, thí sinnh dễ dàng xác định mức độ an toàn với các mức điểm đầu vào cao thấp khác nhau. Em Trần Thiện Quang, học sinh trường THPT Võ Trường Toản, quận 12 cho rằng nguyện vọng 1 mình được 2 trường nên có thể chọn vào 1 trường cao và 1 trường thấp hơn”.

Đợt tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép các trường được đề ra các phương thức xét tuyển riêng nên việc xét tuyển nguyện vọng 2 cũng có thể khác nhau tuỳ trường.

PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT cho biết dù xét cách nào cũng sẽ xét cùng lúc. Xét bình đẳng cũng sẽ xét cả 2 cùng lúc, xét lệch nhau cũng xét cùng lúc, xét từ nguyện vọng 1 xong rồi xét đến nguyện vọng 2 và công bố cùng lúc. Nếu như, trường công bố xét bình đẳng, các em chọn ngành thích nhất lên đầu. Xét không bình đẳng thì căn cứ ngành nào dễ trúng nhất lên đầu. Như vậy, mình cần khai thác nhiều hơn so với trường hợp bình đẳng.

Để việc xét tuyển được thuận lợi, giảm thiểu những tình huống đáng tiếc, các chuyên gia cũng lưu ý thí sinh không nên nộp quá 2 hồ sơ, vì thực hiện đúng quy chế sẽ có 1 hồ sơ bị loại. Khi đó, sẽ có khả năng rơi vào trường các em yêu thích hoặc trường có xác suất trúng tuyển cao.

Bên cạnh đó, để thuận tiện cho các trường cũng như đảm bảo tính chính xác, khi nộp phiếu đăng ký xét tuyển về các trường, thí sinh nên gửi kèm phong bì có ghi sẵn địa chỉ của mình và một bản photo kết quả thi.