Thế giới nói không với than đá, Việt Nam vẫn phụ thuộc

(VOH)- Theo quy hoạch Điện lực quốc gia VII tới 2030 nhiệt điện than vẫn chiếm hơn 50% tổng sản lượng điện sản xuất. Trong đó, khối lượng than nhập khẩu hơn 85 triệu tấn. Điều này tạo sự quan ngại từ cộng đồng quốc tế khi nhiệt điện than thải khí nhà kính lớn nhất, gây ô nhiễm không khí, nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Đó là cảnh báo được đưa ra tại Hội thảo "Ngã rẽ năng lượng: Thay đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu", do tổ chức CHANGE/350.ORG và Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam tổ chức sáng ngày 27/4/2016.

Hơn 120 đại biểu từ các cơ quan, tổ chức môi trường chia sẻ những thông tin mới nhất và cảnh báo về tác động khủng khiếp của biến đổi khí hậu hiện nay. Đặc biệt, hội nghị có sự chia sẻ thực tế từ chính nông dân Bến Tre, vùng đất đang đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn, một trong những tác động của biến đổi khí hậu.

Bà Aviva Imhof phát biểu tại hội thảo.

B Aviva Imhof - Giám đốc điều hành Quỹ khí hậu Châu Âu cảnh báo: Nhiệt điện Than không chỉ dẫn đến biến đổi khí hậu mà còn là nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí, dẫn đến cái chết của 800.000 người trên thế giới mỗi năm.

Việt Nam là nước đứng thứ 3 trên thế giới trong xây dựng các nhà máy nhiệt điện than trong khi thế giới đang hướng sang năng lượng tái tạo. Dự kiến, Việt Nam sẽ có 50 nhà máy nhiệt điện than được xây dựng, gây tác động lớn đến môi trường và sản xuất nông nghiệp.