Thấy gì qua kỳ thi THPT quốc gia 2015?

(VOH) - Gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội, đề thi phân hóa cao giúp phản ánh đúng trình độ người học… là những gì mà xã hội thấy rõ nhất qua kỳ thi THPT Quốc gia 2015 vừa rồi.

Kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên đã được thực hiện đúng kế hoạch, đúng quy chế. Ảnh: Lan Hương

Rút gọn 4 kỳ thi xuống còn 1 kỳ thi, thí sinh, phụ huynh đỡ phải di chuyển xa, chi phí cho chuyện thi cử cũng giảm đi rất nhiều, đó là điều dễ dàng nhận ra ở kỳ thi năm nay. Phụ huynh Nguyễn Hồng Phúc, ở tỉnh Bình Phước đưa con đi thi tại TPHCM bày tỏ: “Nếu như đổi mới, năm nay con tôi thi mấy môn rồi có bằng tốt nghiệp luôn, không cần thi tốt nghiệp lớp 12 mà lại xét tuyển đại học nữa. Không giống mấy năm trước, phải thi tốt nghiệp 12 xong, rồi chọn từng môn thi đại học. Việc đi lên đi xuống cũng rất xa, nếu tính thi tốt nghiệp rồi mấy đợt thi đại học nữa, tôi đi lên đi xuống SG cũng mất 3, 4 lần. Còn năm nay chỉ phải đi một lần mà thôi”.

Anh Nguyễn Thế Tiến, Đội trưởng Đội Bến xe miền Đông tham gia Tiếp sức mùa thi 5 năm liền cho hay, việc hỗ trợ thí sinh, phụ huynh tại điểm trực này nhiều năm qua luôn là điểm nóng nhất và vất vả nhất, sinh viên tình nguyện tại đây phải thức cả đêm để đón thí sinh. “các năm trước, chúng tôi hoạt động nhiều hơn, công việc nặng nề hơn so với năm nay. Về thí sinh, mỗi năm lượng thí sinh đổ về từ từ và đông dần lên, nhưng năm nay chỉ ùn về hai ngày 28 và 29/6. Công việc hiện tại ở đội cũng không vất vả bằng các năm trước và thời gian hoạt động cũng ít hơn”, anh Tiến cho biết.

Trong khi đó, với nhiều thí sinh, kỳ thi này cũng trở nên nhẹ nhàng hơn với các em. 

“Em thi 4 môn, kỳ thi tạo điều kiện dễ dàng hơn cho chúng em. Đề vừa cho học sinh trung bình, khá cũng làm được, học sinh giỏi thì đặt nguyện vọng cao hơn. Năm nay kiếm 9 điểm rất khó, bạn nào làm được là thật sự giỏi”.

“Em chỉ thi 4 môn nên cũng nhẹ bớt cho tụi em. Thi 2 trong 1 nên đề cũng dễ hơn đề đại học. Cấu trúc đề thi cũng rõ ràng, học sinh chỉ cần làm đúng trình tự từ dễ đến khó”.

Ý kiến của hai thí sinh.

 

Đúng như nhận định của thí sinh, có thể xem đề thi là thước đo của sự đổi mới, theo nhiều chuyên gia giáo dục, đề thi ở các môn đã phần nào đáp ứng yêu cầu 2 trong 1. Có thể thấy, ở một số môn thi, đề thi tăng cường theo hướng mở, một số câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của thí sinh để giải quyết vấn đề thực tiễn. Vì vậy, TS Nguyễn Phú Vinh cho rằng, đề thi đáp ứng yêu cầu đổi mới của kỳ thi: “Theo như cách ra đề như vậy, tôi thấy đề thi đạt được hai mục tiêu: vừa xét tú tài, vừa cho các trường đại học xét thí sinh lấy điểm từ dễ cho đến khó. Kỳ thi 2 trong 1 như vậy là đạt được”.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về kỳ thi vừa qua, như ý kiến của thầy Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng trường THPT Quang Trung, Củ Chi thì cho rằng: “Nhìn chung, đề thi đáp ứng được mục tiêu kép là vừa xét tốt nghiệp THPT để đảm bảo hầu hết thí sinh đều làm được và đủ điểm tốt nghiệp. Đồng thời cũng có thể phân loại được thí sinh, tôi cho rằng tổng thể đề là tốt. Tuy nhiên, tiếc ở chỗ là đề nghị luận xã hội hơi theo lối mòn, thứ hai là câu nghị luận văn học mặc dù có phân loại được chỉ gói gọn trong Chiếc thuyền ngoài xa thì hơi bó gọn quá”.

Về công tác tổ chức thi, theo nhiều đánh giá, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các địa phương, các Sở GD-ĐT và các trường đại học trong công tác tổ chức thi. Ở cả cụm thi địa phương và cụm thi quốc gia, kỳ thi đều diễn ra an toàn, nghiêm túc. Điều đáng ghi nhận tại các cụm thi là tỷ lệ học sinh tới dự thi rất cao. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM, trong các ngày thi, tất cả các cụm thi đều kín thí sinh. Đơn cử, cụm thi ĐHQG có 26 điểm thi với 843 phòng thi đều đầy đủ thí sinh. Buổi thi có ít thí sinh nhất là môn Lịch sử, chỉ có 4/26 điểm thi, 72/843 phòng thi. Đây là một điểm rất lạ đối với kỳ thi đại học trước đây, bởi các năm trước, số lượng phòng thi ở các môn thi phải đảm bảo như nhau: “Tỷ lệ thí sinh đến dự thi rất cao. Nếu như cụm thi tập trung học sinh THPT thì gần như 100% thí sinh của điểm thi đó đến dự thi. Tôi nghĩ đó là dáng dấp của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong một kỳ thi do các trường đại học được ủy nhiệm tổ chức”.

Đánh giá chung về kỳ thi, TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng Ban ĐH và sau ĐH - ĐHQG TP nhận định: “So với các kỳ thi năm trước, kỳ thi năm nay là sự tập trung của các ngành, các trường đại học, các Sở, bước đầu ta thấy kỳ thi an toàn, trật tự. Hơn 1 triệu thí sinh dự thi, nhưng số thí sinh vi phạm kỷ luật vẫn còn nhưng rất nhỏ so với các kỳ thi khác. Như vậy, về bước đầu tôi đánh giá là một bước thành công”.

Mặc dù nhận được nhiều ý kiến đánh giá khác nhau về kỳ thi, chưa thể hoàn toàn đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội, nhưng có thể thấy, kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên đã được thực hiện đúng kế hoạch, đúng quy chế. Dù gặp một vài sự cố nhỏ nhưng nhìn chung kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, tạo ra những tiền đề cơ bản, có ý nghĩa quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới các khâu tiếp theo./.