Thành công bước đầu của đổi mới kỳ thi

(VOH) - Kỳ thi THPT Quốc gia 2015 đã được tổ chức theo đúng tinh thần gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn phản ánh đúng trình độ người học...

Thứ trưởng Bùi Văn Ga yêu cầu các trường phải hoàn tất việc chấm thi trước ngày 20.7 - Ảnh: TNO

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 28% thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp và 72% thí sinh sử dụng kết quả hi để xét tuyển ĐH-CĐ.

So với các năm trước có gần 2 triệu hồ sơ đăng ký dự thi. Tỷ lệ dự thi các môn rất cao, cụ thể môn Toán, Vật Lý, Hóa học, Địa lý đều chiếm hơn 98%; môn Ngoại ngữ, Ngữ văn hơn 99%; môn Lịch sử hơn 96%. Kết thúc 8 môn thi, cả nước có hơn 760 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đình chỉ gần 700 trường hợp.

Nhìn chung, kỳ thi THPT Quốc gia 2015 đã được tổ chức theo đúng tinh thần gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn phản ánh đúng trình độ người học để xét tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu cho việc xét tuyển sinh giáo dục ĐH-CĐ. Tuy nhiên, đây cũng năm đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nên vẫn còn những hạn chế thiếu sót cần rút kinh nghiệm để điều chỉnh trong những năm sau. Kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2015, Phóng viên VOH đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga – Phó Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2015 đánh giá về kỳ thi vừa diễn ra.

* Thưa ông, thí sinh vừa kết thúc kỳ thi THPT QG 2015, ông đánh giá như thế nào về kỳ thi vừa qua?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế và đúng như dự kiến của Ban chỉ đạo kỳ thi THPT QG kỳ vọng. Thành công thứ nhất đó là số lượng thí sinh dự thi rất cao. Các vùng khó khăn như Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tỷ lệ dự thi rất cao đến 99%. Thứ hai là có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các cụm thi và xã hội trong công tác tổ chức kỳ thi năm nay. Thứ ba là việc quán triệt về tinh thần của quy chế tuyển sinh được các hội đồng thi và thí sinh quán triệt sâu sắc, đặc biệt là thí sinh thi ở địa phương. Có thể nói, nhờ sự đồng thuận của toàn xã hội mà việc đổi mới kỳ thi năm nay đã đạt được mục tiêu mong đợi.

* Thưa ông, ông có đánh giá gì về đề thi các môn năm nay, có thể hiện được sự đổi mới và đáp ứng được hai mục đích xét tốt nghiệp THPT QG và xét tuyển đại học hay không?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Những đổi mới về việc ra đề thi của tốt nghiệp phổ thông trước đây cũng như là Đại học, Cao đẳng những năm vừa rồi đã được đưa vào trong công tác ra đề thi. Cũng như Bộ đã công bố ở đề thi minh hoạ, có khoảng 60% nằm trong kiến thức cơ bản các em học trung bình cũng có thể làm được, khoảng 40% là nâng cao nhằm phân hoá thí sinh để giúp các trường Đại hoc, Cao đẳng tuyển sinh. Tất nhiên cũng không hoàn toàn là 60% dễ và 40% khó vì có phần giao thoa giữa chúng để phân hoá thí sinh mức trung bình và khá, vì vậy kết quả của năm nay chắc chắn tốt để giúp các trường Đại học, Cao đẳng thuận lợi để xét tuyển đồng thời giúp các em dễ dàng có đủ điều kiện tốt nghiệp THPT quốc gia. Cho nên có thể nói là đề thi năm nay cũng đã đạt được mục đích đề ra là giúp xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng.

* Áp lực kỳ thi năm nay không nằm ở thí sinh mà ở các trường tổ chức thi, khi họ phải đảm đương quá nhiều công việc từ khâu tổ chức, coi thi và cả chấm thi. Ông đánh giá ra sao về vấn đề này?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ GD-ĐT, các địa phương và nhà trường luôn luôn dành phần khó về mình để tạo điều kiện cho các thí sinh đi thi được thoải mái nhất để đạt kết quả cao. Chủ trương của năm nay là nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng cho thí sinh, vì vậy địa phương cũng như nhà trường đã vào cuộc chuẩn bị chu đáo để đón tiếp các em, các em đi thi chỉ có mỗi việc thi cho thật tốt và nghiêm túc phải chấp hành đúng các qui chế.

* Công tác chấm thi năm nay ra sao, để đảm bảo sự công bằng giữa các cụm thi quốc gia và cụm thi địa phương thì Bộ có những biện pháp nào?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Sau khi kết thúc môn thi cuối cùng thì Bộ đã công bố đáp án và thang điểm của các môn thi để các nhà trường các cụm thi triển khai công tác chấm thi. Để đảm bảo cho việc chấm thi được công bằng và nghiêm túc và kịp tiến độ Bộ đã yêu cầu các trường có nhu cầu về cán bộ chấm thi đề nghị Sở GD-ĐT cấp cho danh sách những thầy cô giáo tham gia công tác chấm thi này. Mặc khác nếu thí sinh thấy bài thi của mình mà giám khảo chấm không đúng như mong muốn thì các em cũng có thể xin phúc khảo để được chấm lại nhằm bảo đảm sự công bằng.

*  Đây là lần đầu tiên tổ chức một kỳ thi 2 trong 1 với nhiều đổi mới nhưng cũng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, Bộ có rút kinh nghiệm gì từ khâu tổ chức thi này, thưa ông?

- Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Là năm đầu tiên tổ chức kỳ thi quốc gia nên cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm để những năm sau có một kỳ thi tốt hơn, bên cạnh đó cũng thấy những khó khăn để những năm tới thực hiện tốt hơn. Về phía Bộ GD-ĐT  cũng sẽ tổ chức, những cuộc họp với các trường, các địa phương để thảo luận, bàn bạc để rút kết kinh nghiệm còn các nhà trường và các địa phương cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc tổ chức kỳ thi cho những năm sau. Mặt khác, có những sơ suất kỹ thuật tưởng chừng như không xảy ra nhưng nó cũng xảy ra lặp lại, ví dụ như giám thị kí nhầm ô chữ ký của giáo viên chấm thi chẳng hạn, gây đến những trục trặc về kỹ thuật, đó là những điều mà chúng ta có thể rút kinh nghiệm được để đưa vào qui chế cho kỳ thi THPT quốc gia tiếp theo để diễn ra được thuận lợi và tốt đẹp.

* Cảm ơn ông!