Luôn quan tâm đến nhu cầu chính đáng của phụ huynh học sinh

(VOH) - TP.HCM là địa phương đi đầu trong giáo dục và đã thực hiện nhiều đột phá nổi bật như đề án thí điểm nhận trẻ 6-18 tháng tuổi và đề án phổ cập và nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp thành phố.

Trong phần 1phần 2 của loạt bài TP.HCM cần dự báo để đổi mới giáo dục đi đúng hướng đã nêu: Trong năm học mới 2014 - 2015 ngành giáo dục TP.HCM đã đứng trước nhiều thách thức trong tiến trình “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo”.

Đây là những đề án vô cùng ý nghĩa, vậy nhưng cũng đầy áp lực khi năm học mới đã khởi động mà vẫn còn đó những bộn bề. Về vấn đề này, PV Đài đã trao đổi với ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP.

Luôn quan tâm đến nhu cầu chính đáng của phụ huynh học sinh 1

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP. Ảnh: Vietnamnet

* Thưa ông, trong năm học đầu tiên thành phố thí điểm nhận trẻ từ 6-18 tháng tuổi, ông đánh giá như thế nào sau bước đầu thực hiện?

- Ông Lê Hồng Sơn: Đề án thực hiện thí điểm chăm sóc trẻ từ 6-18 tháng tuồi đang thực hiện theo lộ trình từng bước đi. Năm học 2014-2015 thực hiện tại 8 KCX-KCN có nhiều công nhân đang làm việc. Đây là việc mà Thành ủy, HĐND, UBND của TP cũng như quận huyện đã quan tâm chăm sóc trẻ theo nhu cầu của PHHS nhất là người lao động. Theo đăng kí của PHHS vẫn còn hạn chế trên dưới 10 trẻ/quận - huyện ở những trường thực hiện thí điểm mặc dù mỗi trường thực hiện thí điểm tổ chức 1-2 lớp, mua sắm đầy đủ trang thiết bị, tập huấn giáo viên để chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ từ 6-18 tháng tuổi. Nhu cầu của phụ huynh có nhưng còn sự an tâm của phụ huynh gửi con trong điều kiện nhỏ tháng. Sở đã có những giải pháp thông tin tuyên truyền đối với PHHS ở độ tuổi này nếu có điều thì PHHS nên giữ trong gia đình người thân vì gia đình chỉ chăm sóc từ 1-2 cháu cũng trong vòng tay của người thân còn nhà trường vẫn sẵn sàng tổ chức theo lộ trình thực hiện.

* Sau một thời gian thí điểm khi phụ huynh đã yên tâm và lựa chọn gửi con vào trường mầm non, ngành giáo dục sẽ chuẩn bị như thế nào để mở rộng quy mô nhận trẻ?

- Ông Lê Hồng Sơn: Năm nay sẽ thực hiện 24 công trình cấp bách xây dựng trường mầm non ở các quận huyện còn lại có 118 công trình khác thực hiện đến năm 2018. Đây là quá trình chuẩn bị theo từng năm để dần dần đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Thành phố đã có cơ chế đặc thù thu hút thêm đội ngũ giáo viên mầm non, nhân viên nuôi dưỡng. Đơn cử như giáo viên tổ chức dạy trẻ 6-18 tháng tuổi sẽ được thêm 35% phụ cấp cộng với 35% phụ cấp như các giáo viên khác tổng cộng là 70% phụ cấp, đó cũng là động lực thu hút thêm và đội ngũ yên tâm công tác. Mặt khác, giáo viên mầm non tuyển dụng mới cũng được hỗ trợ thêm 100% mức lương cơ bản sẽ thu hút thêm các em học sinh chọn ngành mầm non và chọn thành phố này công tác.

* Một đổi mới quan trọng khác là giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường. Nhiều phụ huynh hoa mắt vì không biết biết lựa chọn chương trình tiếng Anh nào cho con, như vậy nhà trường cùng lúc triển khai nhiều chương trình tiếng Anh như hiện nay liệu có hiệu quả?

- Ông Lê Hồng Sơn: TP.HCM cũng nhận thêm một nhiệm vụ mang tính đặc thù là trung tâm đào tạo chất lượng cao của khu vực và Đông Nam Á cho nên nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo phải được tập trung đẩy mạnh. Thực hiện đề án phổ cập và nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn thành phố, về nội dung chương trình, chúng tôi đã vạch ra lộ trình giảng dạy tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh theo đề án 2020, tiếng Anh tự chọn… Khi mà các em HS vào lớp 1 qua đến học kì II có thể theo nguyện vọng của PHHS để phân lớp học theo chương trình tiếng Anh này để hỗ trợ cho các em tiếp cận với tiếng Anh và được học theo giáo trình tiên tiến ở các nước Châu Âu. Nếu PHHS quan tâm có thể chọn cho con em mình với nhiều lựa chọn đơn cử như toán khoa học bằng tiếng Anh, tiếng Anh tăng cường… ngay tại thành phố mà không phải đi du học ở nước khác. Chúng tôi đã xác định đầu ra cụ thể như HS tham gia thi các hệ thống chứng chỉ để xác định trình độ và kết quả theo từng chương trình để đến 2015-2020, thành phố sẽ nâng cao chất lượng của các em học sinh khi tốt nghiệp THPT có thể nghe nói đọc viết tiếng Anh lưu loát.

* Đội ngũ giáo viên cũng là một trong những khó khăn lớn nhất để thực hiện các chương trình tiếng Anh, việc bồi dưỡng giáo viên và tạo ra môi trường giao tiếp tiếng Anh sẽ được khắc phục như thế nào?

- Ông Lê Hồng Sơn: Muốn nâng chuẩn học sinh ở các kĩ năng nghe nói đọc viết trước hết phải nâng chuẩn giáo viên. Đó là giáo viên tiếng Anh đã đào tạo theo chương trình tiếng Anh trước đây chưa được cập nhật mới hoặc những văn bằng, chứng chỉ khi giảng dạy chưa đáp ứng được theo khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung Châu Âu. Để đáp ứng được 4 kĩ năng nghe - nói - đọc - viết theo chuẩn này, tất cả giáo viên tiếng Anh chúng tôi đưa đi khảo sát và đào tạo nhiều đợt để củng cố lại cũng như hợp tác với các đối tác uy tín như Anh văn Hội Việt Mỹ để bồi dưỡng. Dự kiến cũng sẽ tuyển dụng thêm giáo viên bản ngữ đến các trường qua đó đặt ra yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể để họ phát huy môi trường học tập tiếng Anh trong trường.

* Cảm ơn ông!