Kỳ thi 2 trong 1 – không như mong đợi

(VOH) - Từ chiều 27/8, khi Bộ GD–ĐT công bố danh sách các trường ĐH, CĐ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2, nhiều phụ huynh và thí sinh lại tiếp tục ngao ngán bước vào cuộc chạy đua kế tiếp cho tấm vé vào Đại học.

Dù Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến đóng góp từ chuyên gia và dư luận, rút ngắn thời gian xét tuyển đợt 2 xuống còn 10 ngày, nhưng xem ra, những nỗ lực này chưa đủ để xoa dịu những phiền muộn, âu lo của phụ huynh và thí sinh suốt 20 ngày xét tuyển đợt 1 vừa qua.

Thí sinh nộp - rút hồ sơ tại Đại học Kinh tế quốc dân - Ảnh: 24h

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đại học và sau Đại học - ĐH Quốc gia TP.HCM mới đây đã thốt lên “Giá mà các ý kiến góp ý của ĐH Quốc gia TP.HCM được thực hiện thì đã không xảy ra những bất cập không đáng có”. Còn các trường Đại học sau nhiều ngày lúng túng, mệt mỏi cũng lên tiếng trách Bộ GD-ĐT năm nay can thiệp quá sâu, quản lý quá chặt trong khi không hiểu đặc thù của các trường. Đây là những phản hồi mà Bộ cần tiếp thu bởi một hạn chế lớn nhất của kỳ thi vừa qua xuất phát từ việc Bộ quá tự tin, ôm đồm, dồn tất cả về một mối để quản lý trong khi lại không lường trước quy mô, diễn biến để xảy ra tình trạng nghẽn mạch ngay từ khâu công bố điểm thi.

Có thể nói là kỳ thi 2 trong 1 đầu tiên đã thực hiện một đột phá khi cho phép thí sinh chọn trường, chọn ngành sau khi đã biết điểm thi. Tuy nhiên khâu tổ chức thiếu khoa học lại khiến chủ trương đúng đắn ấy không đạt được kết quả như mong đợi. Trong 20 ngày, mỗi thí sinh được đăng ký đến 4 nguyện vọng khiến lượng hồ sơ ảo quá cao. Việc rút nộp, hồ sơ quá tự do, dẫn đến thí sinh điểm thuộc tốp trên làm rối loạn tình hình trong những phút cuối cùng khiến thí sinh còn lại, dù điểm cao, cũng trở tay không kịp.

Tình huống không lường trước đã vô tình đẩy các thí sinh vào cuộc đua khốc liệt, không có đường ra, bất chấp đam mê, sở thích để có 1 tấm vé vào ĐH. Xét cho cùng, tự do chọn trường như năm nay, thực chất chỉ đảm bảo khả năng trúng tuyển đúng ngành yêu thích cho thí sinh điểm cao thuộc hàng tốp trên, chứ không tạo 1 sân chơi công bằng cho tất cả thí sinh.

Do thiếu tầm nhìn cũng như thụ động trong công bố số liệu thí sinh ảo của Bộ lẫn các trường, dẫn đến nhiều thí sinh tưởng mình đã ra khỏi ngưỡng an toàn đành rầu rĩ rút hồ sơ khỏi ngành nghề mình yêu thích. Lượng hồ sơ ảo năm nay quá lớn nên đương nhiên lượng thí sinh gặp phải tình huống éo le này là  không nhỏ.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đại học - Ảnh: Tinmoi.

Bên cạnh đó, Bộ còn chưa khai thác hết tiềm năng của công nghệ, nên dù có cơ sở dữ liệu chung, nhưng phụ huynh và thí sinh vẫn phải vượt cả trăm cây số đến trường để rút, nộp hồ sơ 1 cách thủ công, nhốn nháo, lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức. Việc sử dụng dữ liệu chung có giúp Bộ quản lý dễ dàng hơn hay không chưa bàn tới, nhưng việc quản lý quá chặt dữ liệu, không lắng nghe đề xuất từ cơ sở đã khiến tốc độ xử lý công việc bị chậm đi đã hiện ra trước mắt.

Lẽ ra, Bộ phải chọn cách xét tuyển phân chia làm nhiều đợt theo từng tầng điểm. Đợt đầu dành cho thí sinh ở tầng điểm cao nhất, sau đó tầng điểm giảm dần. Mỗi thí sinh chỉ chọn 1-2 ngành mình thích nhất, và không được thay đổi sau khi đã kết thúc đợt xét tuyển của mình. Như vậy, thí sinh điểm thấp, tham gia đợt sau, sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về tình hình tuyển sinh, tránh tình huống bị đẩy ra vào phút cuối cùng, trở tay không kịp như năm nay.

Thiết nghĩ, những người làm giáo dục, khi nhìn lại những thất bại của kỳ thi lần này, chắc hẳn cũng không kém phần đau xót. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại hội nghị tổng kết năm học của 1 địa phương cách đây vài ngày bày tỏ mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp và thừa nhận “Kỳ thi quốc gia thì tốt nhưng việc tổ chức xét tuyển lại gây ra nhiều bức xúc”. Việc thừa nhận thiếu sót của người đứng đầu ngành âu cũng là niềm an ủi cho dư luận những ngày qua. Tuy nhiên, nói gì thì nói, giáo dục đâu thể là nơi để thí điểm, cải cách dù tái diễn hàng năm, vẫn cứ đầy những thiếu sót, bất cập, khiến cho hết lớp này đến lớp khác học sinh phải gánh chịu hậu quả. Các nhà làm giáo dục trước hết phải có tâm, có tầm, thì nền giáo dục nước ta mới mong có được 1 tương lai tươi sáng. Hy vọng là bài học kinh nghiệm sâu sắc của mùa tuyển sinh năm nay sẽ giúp cho các mùa sau thực sự gọn gàng và hiệu quả.