Giáo viên nặng gánh sổ sách

(VOH) - Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT về việc đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét thay cho điểm số đã thực hiện học kì đầu.

Ưu điểm của phương pháp này là giúp học sinh được hướng dẫn, khích lệ, động viên mà không phải chịu áp lực, tự ti vì thua sút bạn bè về điểm số như cách đánh giá trước kia. Tuy nhiên, bất cứ sự đổi mới nào cũng cần phải qua thực tiễn để kiểm nghiệm và sau một học kỳ tổ chức đánh giá bằng nhận xét, ngoài ưu điểm về tâm lý vẫn còn mặt tồn tại dễ nhận biết chính là hồ sơ sổ sách đánh giá tăng lên đáng kể khiến giáo viên vất vả.

Những lời nhận xét của giáo viên thay chấm điểm cho học sinh lớp 3 tại một trường tiểu học ở TP.HCM - Ảnh: TTO

Khi học kỳ I kết thúc, đó lại là thời điểm giáo viên vừa phải đảm bảo nhận xét trên lớp đồng thời đối mặt với khối lượng hồ sơ sổ sách đánh giá đồ sộ.

Nếu trước đây với sổ điểm, giáo viên chỉ cần vào điểm là xong, nay với sổ theo dõi chất lượng giáo dục, cứ cuối tháng giáo viên phải ghi nhận xét cho mỗi học sinh gồm môn học và các hoạt động giáo dục, năng lực, phẩm chất… Không chỉ vậy, cuối mỗi học kỳ giáo viên phải nhận xét 2 trang học bạ cho mỗi học sinh, chi tiết tới 20 mục, trong đó có 11 môn học và các mục về phẩm chất, năng lực, thành tích nổi bật, những điều cần khắc phục… Đó là chưa kể, giáo viên còn phải chép nội dung tương tự học bạ vào sổ liên lạc.

Sổ sách nhiều, công việc tăng mà thời gian thì dồn nén cùng một thời điểm nên áp lực là rất lớn. Cô Nguyễn Thị Tuyết, trường tiểu học Nguyễn Văn Tây cho biết: “Những ngày nghỉ tết Tây, tôi ở nhà làm suốt mới xong hết sổ liên lạc, học bạ, riêng sổ liên lạc của mỗi em mất 20 phút”.

Giáo viên chủ nhiệm dạy từ 9 - 10 môn học, cộng thêm công tác chủ nhiệm phải nhận xét cuối kì gần 20 mục trong khi sĩ số lớp từ 40 - 50 học sinh là chuyện thường ở các thành phố lớn. Để hoàn thành học bạ cho một lớp, giáo viên cần phê hơn 800 lời nhận xét. Giáo viên bộ môn âm nhạc, mỹ thuật, tin học… bình quân ở các trường chỉ có 1 tiết/tuần, để đủ chỉ tiêu giáo viên bộ môn dạy 23 lớp, ước tính giáo viên bộ môn nhận xét cuối kì cho 23 lớp với gần 1.000 học sinh. Do đó, khó khăn lớn nhất của giáo viên khi thực hiện thông tư 30 chính là thiếu thời gian.

Với khối lượng nhận xét lớn như vậy nhưng giáo viên không thể vừa dạy học vừa phê, nên ngoài giờ lên lớp, giáo viên phải tranh thủ nhận xét vào giờ ra chơi, ôm sổ sách về nhà vừa soạn bài vừa làm hồ sơ sổ sách đến khuya. Cô Phạm Thị Thùy, giáo viên trường tiểu học Giang Văn Kịp cho rằng: “Giáo viên bộ môn giảm được sổ liên lạc, học bạ nhưng cuối kì nhận xét số lượng học sinh tương đối lớn. Năm nay, thực hiện sổ sách mới nên các cô vừa tìm hiểu thậm chí làm chưa đúng thì còn phải điều chỉnh lại. Về mặt thời gian sổ sách đến cùng thời điểm, đến giữa học kì các mẫu sổ sách mới có, các cô vừa làm quá khứ vừa làm hiện tại, nhưng khi 1-2 năm nữa các thầy cô quen và điều chỉnh được thì sẽ ổn”.

Đã thiếu thời gian vì số lượng sổ sách cần nhận xét quá nhiều vậy mà thông tư hướng dẫn của Bộ còn qui định nghiêm ngặt yêu cầu giáo viên không được nhận xét trùng lặp hoặc những lời nhận xét chung chung. Vậy là giáo viên phải mất không ít thời gian suy nghĩ nhiều cách động viên học sinh trước khi đặt bút. Với học sinh trung bình, yếu lựa chọn từ ngữ tránh làm các em tự ti mà phải nhận xét theo hướng động viên khuyến khích. Với học sinh đã học tốt rồi không thể nhận xét nào cũng khen trùng lặp “bài làm tốt”, “hoàn thành tốt” khiến dễ nảy sinh tâm lý chểnh mảng. Cô Đỗ Thị Yến, hiệu trưởng trường tiểu học Phước Bình, cho biết: "Đánh giá học sinh bằng nhận xét có khó khăn cho giáo viên như suy nghĩ nhận xét chiếm nhiều thời gian, phải đánh giá được thực chất thì giáo viên, phụ huynh mới tìm thấy những điểm yếu của học sinh để giúp đỡ". Thầy Nguyễn Phước Lộc, Hiệu trưởng trường tiểu học Tân Phú, bày tỏ: “Trước đây, đánh giá bằng điểm số thì nhanh chóng, còn đánh giá bằng nhận xét là một quá trình chặt chẽ hơn nhưng cũng khó hơn cho giáo viên”.

Trước những khó khăn trên, Sở Giáo dục - Đào tạo, Phòng Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo các trường có nhiều biện pháp tháo gỡ như không nhất thiết trong một tiết học giáo viên phải ghi đủ nhận xét cho tất cả học sinh mà luân phiên theo từng tổ. Ngoài ra, các trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn giúp các thầy cô hiểu đúng ý nghĩa của việc đổi mới đánh giá, dựa trên thực tế giảng dạy để lập kế hoạch đánh giá thường xuyên theo từng môn học, đối tượng học sinh sao cho khoa học, gọn và rõ ràng, tránh áp lực quá tải, đối phó.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD- ĐT TP) cho biết: “Với Thông tư 30 trong quá trình học, học sinh sẽ được đánh giá thường xuyên thông qua nhận xét. Vấn đề trong một giai đoạn, còn có những nội dung gì cần rèn luyện, cách khắc phục tồn tại của mình. Đối với giáo viên, cần có biện pháp, giải pháp cụ thể để hiểu rõ học sinh của mình, từ đó giúp từng em hoàn thành tốt việc học”.

Giáo viên nặng gánh về hồ sơ, sổ sách ngay trong học kỳ đầu đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét thay cho điểm số là có thật. Đây là một nghịch lý phát sinh khi muốn thực hiện tốt đánh giá bằng nhận xét thì giáo viên rất cần thời gian để theo dõi quá trình tiến bộ của học sinh. Bộ GD-ĐT cần xem xét giảm nhẹ hoặc có hướng dẫn thực hiện hợp lý các công việc liên quan đến hồ sơ sổ sách. Có như vậy, giáo viên mới đủ thời gian để tư duy và thực hiện đổi mới dạy học, kể cả phương pháp đánh giá đúng thực chất.