Dạy thêm học thêm : Tràn lan ngay từ đầu năm học

(VOH) - Bất chấp những quy định về dạy thêm - học thêm, mới vào đầu năm học, hoạt động này vẫn diễn ra khá rầm rộ, gần như công khai.

Thành thông lệ, mỗi kỳ họp phụ huynh có không ít giáo viên đánh tiếng với phụ huynh là mình có mở lớp dạy thêm ở địa chỉ X, Y… nào đó và kèm số điện thoại di động của giáo viên.…

Chương trình tiểu học không nặng về kiến thức, học sinh không cần phải học thêm. Ảnh minh họa: tinmoi

Năm học này,  Bộ GD-ĐT yêu cầu giáo viên không chấm điểm học sinh tiểu học thay vào đó là tăng cường đánh giá bằng nhận xét. Phụ huynh chưa kịp mừng vì bộ phận giáo viên không thể lấy điểm số là cơ sở để “ trù dập” học sinh không học thêm, thì một số trường tiểu học tại TP.HCM lại có tình trạng giáo viên tìm cách chê bai chữ viết, cách làm toán của học sinh. Sau đó, họ gợi ý học sinh phải đi học thêm. Hiện tượng này khá phổ biến ở bậc tiểu học

Một khảo sát mới đây cho thấy, có đến 75% phụ huynh học sinh tiểu học cho con đi học thêm với nhiều lý do khác nhau như: không có thời gian đón con sớm; không người kèm cặp con học ở nhà; sợ bị giáo viên trù dập; sợ bị thua sút bạn bè hay vì muốn củng cố thêm kiến thức ngoài chương trình.

Giờ tan học, đến bất cứ trường học nào cũng có thể thấy hình ảnh phụ huynh tất bật đưa đón, cho con ăn uống qua loa rồi lại tiếp tục đưa đến lớp học thêm. Có học sinh được phụ huynh mua thức ăn đem đến tận trường. Tại trường tiểu học Trưng Trắc, quận 11, vào giờ tan trường, chị Thanh Loan luôn miệng hối thúc con ăn nhanh để không kịp giờ đến lớp học thêm. Con chị Loan học lớp 4, gần trường cũng có mấy lớp dạy thêm nhưng chị chọn cho con học ở nhà cô. "Nếu không học thêm, sợ cháu không theo kịp chương trình vì mình cũng không biết cách giúp con ôn bài như thế nào." Chị Loan tâm sự.  Còn chị Hoa ở quận Tân Phú có con học lớp 3 ở một trường tiểu học ở quận 11 cũng không muốn cho con đi học thêm bởi cháu học vất vả quá, từ sáng đến chiều, tối lại gò mình học tiếp. Nhưng rồi phụ huynh nào cũng cho con đi học thêm, nếu không thì lại sợ thua kém bạn bè. Chở cháu đến lớp học thêm, nhà xa chị cũng lại đi loanh quanh gần đó, chờ đến 7, 8 giờ tối, hai mẹ con mời về đến nhà: "Nếu không cho đi học thêm về nhà con đòi, hơn nữa đi học thêm cô ôn cho một số vấn đề trọng tâm, còn cha mẹ không có sư phạm, không biết ôn như thế nào".

Đa số giáo viên cho biết, họ mở lớp dạy thêm, cũng xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh và cũng là cách cải thiện cuộc sống. Hiện nay, phần nhiều giáo viên ở các trường tiểu học thường thuê địa điểm gần trường, các nhà thiếu nhi, trường mần non, chung cư hay tận dụng nhà riêng để mở lớp. Tuy Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản qui định rõ ràng về vấn đề này nhưng phần nhiều ban giám hiệu ở các trường khó có thể quản lý được việc dạy thêm của giáo viên. "Đầu năm học, trường cho giáo viên ký cam kết không được dạy thêm học sinh của mình, còn bên ngoài họ có mở lớp thì trường rất khó quản lý. Trường chỉ nhắc nhở giáo viên làm theo chỉ đạo chứ không thể kiểm tra được". Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trường trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cho biết. 

Có thể khẳng định rằng, phần đông phụ huynh đều cho con học thêm với giáo viên trực tiếp đang dạy con mình tại trường. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP nhấn mạnh: Điều này không đúng qui định, nhà trường phải nhắc nhở và địa phương phải có kiểm tra, giám sát: "Khó khăn cũng phải làm vì có qui định từ thông tư 17 của Bộ GD-ĐT, quyết định 21 của Ủy ban nhân dân TP. Bây giờ thông tư 30 của Bộ ban hành không có đánh giá cho điểm học sinh mà đánh giá năng lực, phẩm chất kết hợp với kiểm tra định kỳ cuối năm. Do đó, phụ huynh đừng quá quan tâm về áp lực điểm số".

Ai cũng hiểu, dạy thêm - học thêm sẽ làm tròn sứ mạng của nó nếu một học sinh học lực yếu cần thầy cô phụ đạo để vươn lên. Cũng là chuyện bình thường nếu học sinh muốn nhờ thầy cô hệ thống lại kiến thức trước mỗi lần thi. Hoặc những học sinh giỏi muốn nâng cao kiến thức vượt khỏi giới hạn chương trình trên lớp. Thế nhưng, dạy thêm - học thêm ngày nay đã biến tướng muôn hình vạn trạng khi học sinh đang bị buộc phải học và giáo viên tìm mọi cách để dạy thêm nên cơ quan chủ quan phải ban hành văn bản chấn chỉnh. Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao đã cấm, đã chấn chỉnh nhưng hoạt động dạy thêm - học thêm dường như vẫn thả nổi ? 

Giải quyết vấn đề tận gốc dạy thêm - học thêm các quy định không nên chỉ nhắm vào người thầy. Bởi đó còn là những vấn đề muôn thuở của ngành giáo dục như: giảm tải sách giáo khoa để học trò chỉ cần học trên lớp không phải tranh thủ học thêm, đời sống nhà giáo còn khó khăn thì sẽ còn dạy thêm - học thêm; Nếu mục đích học tập vẫn hướng đến cái đích là kết quả thi cử chứ không phải học để lấy kiến thức thì vẫn còn dạy thêm - học thêm.