Đại học Quốc Gia TP.HCM: 20 năm xây dựng – phát triển – hội nhập

(VOH) - Ngày 27/01/2015, Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến tham dự.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi lễ

Năm 1995, ĐHQG TP.HCM được thành lập dựa trên việc sáp nhập 9 trường ĐH tại TP.HCM. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, ĐHQG TP.HCM đã không ngừng khẳng định vị trí, vai trò đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực trọng điểm lớn nhất khu vực phía nam.

Hiện nay ĐHQG TP.HCM gồm 6 trường ĐH thành viên và nhiều khoa trung tâm, viện trực thuộc với gần 6.000 cán bộ giảng viên, trong đó 50% cán bộ giảng viên đạt trình độ sau đại học. Quy mô đào tạo của ĐHQG TP.HCM hiện nay  hơn 60.000 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, hàng năm cung ứng mới  hơn 10.000 cử nhân, kỹ sư và 2.000 thạc sĩ, tiến sĩ. Đáng chú ý, trong 20 năm qua ĐHQG TP.HCM luôn phấn đấu vươn lên để tiệm cận các trường đại học tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Năm 2014, hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục của ĐHQG TP.HCM đã hoàn thiện với 16 chương trình được đánh giá đạt chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN), tham gia mạng lưới EUROCOM (gồm các trường đại học kỹ thuật hàng đầu của châu Âu)... Đại học Quốc gia TP.HCM cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong cả nước có 2 chương trình là Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính của trường ĐH Bách Khoa được công nhận đạt chuẩn kiểm định ABET (của Hội đồng Kiểm định Kỹ thuật và Công nghệ Hoa Kì).

Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, ĐHQG TP.HCM đã triển khai công nghệ đào tạo hiện đại CDIO nhằm phát triển kiến thức, kỹ năng, phẩm chất nghề nghiệp thiết yếu cho sinh viên.

Năm 2014, ĐHQG TP.HCM cũng ra mắt Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG TP.HCM, đây là một trong hai trung tâm kiểm định đầu tiên của cả nước được thành lập.

Theo chiến lược phát triển giai đoạn từ nay đến 2020 tầm nhìn 2030, ĐHQG TP.HCM sẽ trở thành ĐH nghiên cứu. Thời gian qua ĐHQG TP.HCM đã tham gia những dự án tại địa phương nổi bật như Chương trình hỗ trợ TP.HCM giải quyết các vấn đề về giảm ùn tắc giao thông, chống ngập đô thị và công nghệ vi mạch, Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng Sông Cửu Long...

Từ năm 2006 -2013, số bài đăng trên tạp chí quốc tế của toàn ĐHQG TP.HCM  đã tăng gấp gần 4 lần từ 110 bài lên 412 bài. Các lĩnh vực nghiên cứu có thể tiếp cận trình độ khu vực và thế giới như tế bào gốc, thiết kế vi mạch, robot công nghiệp, vật liệu polymer composite…Mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ của ĐHQG TP.HCM đều phát triển theo cả bề rộng lẫn chiều sâu. Hiện nay, ĐHQG TP.HCM hợp tác với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới đến từ châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao.

Đến tham dự lễ kỉ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những thành quả ĐHQG TP.HCM đã đạt được trong 20 năm qua. Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, yếu tố quyết định bảo đảm thắng lợi là năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh và sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia mà nền tảng là trình độ khoa học công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Cả hai nhân tố trình độ khoa học công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực đều trực tiếp có quan hệ tới lĩnh vực giáo dục đào tạo, là sản phẩm của giáo dục đào tạo. 

Chủ tịch nước yêu cầu ĐHQG TP.HCM phải rà soát, bổ sung, xác định rõ mục tiêu phấn đấu 10-15 năm tới không chỉ khẳng định được vai trò hàng đầu trong hệ thống các trường đại học trong nước mà còn ngang tầm với các trường đại học hàng đầu trong khu vực, có những ngành học ngang tầm trên thế giới.