Chất lượng giáo dục không thể vượt quá trình độ giáo viên

(VOH) - Phát triển năng lực cho người học phải bắt đầu từ phát triển năng lực cho người dạy cụ thể là sinh viên sư phạm.

Đây là ý kiến được các chuyên gia giáo dục đưa ra trong hội thảo quốc gia “Đổi mới phương pháp giảng dạy trong các trường sư phạm theo hướng phát triển năng lực người học”, diễn ra sáng ngày 24/6 tại trường ĐH Sư Phạm TPHCM.

Hội thảo “Đổi mới phương pháp giảng dạy trong các trường sư phạm theo hướng phát triển năng lực người học”.

Mục tiêu giáo dục nước ta đang chuyển từ truyền thụ kiến thức, kỹ năng sang phát triển, hình thành năng lực, phẩm chất ở người học. Điều này đòi hỏi giáo viên phải thay đổi để đáp ứng.

Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền - khoa Giáo dục mầm non ĐH Sư phạm TPHCM đề xuất: “Đổi mới giảng dạy không đơn thuần là học, tập huấn phương pháp mới về kỹ thuật mà là thay đổi cách nhìn nhận về giáo dục, về vai trò của người thầy, về học trò, về thi cử đã ăn sâu trong tiềm thức của người dạy lẫn người học.

Cần trang bị cho tất cả sinh viên sư phạm kiến thức để có thể chọn một lối đi, một cách tiếp cận đúng nhất: lấy người học làm trung tâm”.

Theo các chuyên gia, thời gian qua, giáo dục nước ta quá chú trọng đến "dạy", thiếu quan tâm "học". Trong khi giáo viên cố gắng truyền đạt thật nhiều tri thức thì ở các nước phát triển, người quan tâm nhiều đến việc hướng dẫn người học cách làm, giải quyết vấn đề, giao nhiệm vụ… Bên cạnh đó, tư duy phản biện trong học tập gặp nhiều rào cản từ truyền thống, văn hoá lẫn điều kiện học tập hiện tại.

Thạc sĩ Trịnh Chí Thâm, giảng viên trường ĐH Cần Thơ giải thích: “Tư duy phản biện giúp sinh viên nhìn nhận vấn đề từ biểu hiện bên ngoài đến bản chất sâu sắc bên trong. Bởi khi tiếp thu bất kỳ vấn đề nào, người học có xu hướng thắc mắc và đưa ra lý lẽ phản biện nếu không hiểu rõ hoặc hiểu theo hướng khác”.

Vì vậy, để đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực người học, các chuyên gia đưa ra nhiều mô hình: đào tạo giáo viên từ chuyên ngành khác, “lớp học đảo ngược”, dạy học sáng tạo, vận dụng kiến thức môn học cụ thể vào thực tiễn… Tuy nhiên, để thực sự chuyển biến, đòi hỏi thay đổi tổng thể về quan điểm giáo dục, môi trường văn hoá, quản lý, phương pháp và ý thức của chính người học, người dạy.

PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trường Viện Nghiên cứu giáo dục - trường ĐHSP.TPHCM khẳng định: “Chất lượng giáo dục không thể vượt quá trình độ của đội ngũ giáo viên. Vì vậy, dạy học theo hướng phát triển năng lực ở các trường và khoa sư phạm có vị trí vô cùng quan trọng.  

Cho nên, cần phải đổi mới toàn diện và đồng bộ mới tạo chuyển biến mạnh mẽ, dạy học theo hướng phát triển năng lực ở các  trường sư phạm”.