5 ngón tay - cách đơn giản để dạy con tránh bị lạm dụng tình dục

(VOH) - Sử dụng 5 ngón tay, cha mẹ dạy con cách để phân biệt người thân, người quen và người lạ trong giao tiếp, hạn chế khả năng bị xâm hại tình dục.

 

Hãy dạy cho bé các quy tắc ngay từ khi còn nhỏ (Ảnh: freshparentingideas)

1. Dạy trẻ về các bộ phận cơ thể từ nhỏ

Hãy dạy tên các bộ phận cơ thể từ khi trẻ còn nhỏ để chúng có thể sử dụng chính xác các từ ngữ này khi kể lại điều gì đó kỳ lạ/khác thường.

Đặc biệt, với những vùng nhạy cảm như bộ phận sinh dục (còn gọi dễ thương là vùng đồ bơi) cha mẹ nên nhấn mạnh cho trẻ rằng đây là những vùng trên cơ thể không ai khác được động chạm vào ngoài cha mẹ, ông bà khi tắm rửa, thay tã cho bé. 

Nếu bất cứ ai cố tình chạm vào mà không được con cho phép, làm những hành động khác thường ở nơi vắng vẻ thì đây là hành vi xấu. Con hãy gào khóc, hét to, bỏ chạy để báo cho mọi người xung quanh giúp đỡ.

2. Dạy trẻ về các quy tắc bảo vệ cơ thể

Với trẻ nhỏ, các bậc cha mẹ có thể hướng dẫn cho trẻ dễ hiểu thông qua Quy tắc bàn tay hoặc quy tắc đồ lót.

Với nguyên tắc bàn tay, phụ huynh hãy giơ 5 ngón tay để chỉ cho bé.

Video: Hướng dẫn bé về nguyên tắc 5 ngón tay

- Ngón cái - gần mình nhất tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột - bé có thể ôm hôn mọi người hoặc đồng ý đề các thành viên trong nhà ôm hôn, thể hiện tình yêu thương, tắm rửa khi bé còn nhỏ.

- Ngón trỏ - tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình. Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa.

- Ngón giữa - người quen như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ - bé có thể bắt tay chào hỏi họ.

- Ngón áp út - gặp người mới gặp lần đầu, các bé có thể dừng lại ở mức vẫy tay chào.

- Ngón út - ngón tay xa bé nhất thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc người có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an, bé hoàn toàn có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.

Với quy tắc quần lót, phụ huynh có thể nói với con rằng: “Khi con mặc đồ lót, khu vực 'kín' chỉ dành riêng cho con. Không ai có quyền đụng chạm vào đó”.

Nói với trẻ về quy tắc quần lót (Ảnh: nspcc)

PANTS (quần lót) cũng là từ viết tắt của 5 khái niệm: PRIVATE (riêng tư), ALWAYS REMEMBER YOUR BODY BELONGS TO YOU (cơ thể con thuộc về con), NO MEANS NO (không là không), TALK (nói về những điều khiến con buồn), SPEAK UP (lên tiếng).

Ngoài ra, hãy nhắc trẻ rằng “không ai có quyền yêu cầu trẻ chạm vào vùng kín của họ”.

Cha mẹ thường quên phần này. Tuy nhiên, lạm dụng tình dục thường bắt đầu khi thủ phạm yêu cầu trẻ chạm vào người họ.

Quy tắc an toàn áp dụng mọi lúc không chỉ với người lạ mà với cả người quen hay những đứa trẻ khác bởi đa số nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi người quen biết và tin tưởng.

3. Dạy trẻ về việc chia sẻ bí mật với cha mẹ

Hãy cho trẻ biết người lớn không phải lúc nào cũng đúng và khuyến khích trẻ nên kể với cha mẹ nếu trẻ cảm thấy không đúng về một điều gì đó mà người lớn nói hoặc làm.

Nếu ai đó rủ trẻ chơi trò chơi bí mật và nói rằng "những điều xấu sẽ xảy ra nếu trẻ không giữ bí mật" thì người đó là người không tốt và trẻ nên nói cho cha mẹ biết.

Hãy cho trẻ biết rằng nếu ai đó đã chạm vào chúng, bạn sẽ tin tưởng, không giận và sẽ tìm cách để giúp chúng an toàn.

Theo trang Childmind, những trẻ bị lạm dụng thường không kể với cha mẹ vì nghĩ rằng mình sẽ gặp rắc rối. Nỗi sợ hãi này thường do các thủ phạm gây ra.

Vì vậy, hãy nhấn mạnh với trẻ rằng “không có vấn đề gì xảy ra khi trẻ nói với cha mẹ về những điều liên quan đến bí mật cơ thể” hoặc “khi nói ra bí mật có liên quan đến cơ thể, chúng sẽ không bao giờ gặp rắc rối”.

4. Nói với con rằng không ai được phép chụp ảnh bộ phận nhạy cảm của con

Dặn trẻ rằng, không cho ai chụp hình khi trẻ không mặc đồ (Ảnh: CNN)

Đây cũng là điều nhiều bậc phụ huynh bỏ qua khi dạy trẻ. Thực tế, những kẻ ấu dâm thích chụp hình trẻ em khỏa thân và bán các hình ảnh này trên mạng. Điều này đặt trẻ vào những hiểm họa nhất định.

Hơn hết, một cuộc nói chuyện với trẻ là không đủ để trẻ nhớ. Hãy tìm các lý do tự nhiên để nhắc đi nhắc lại những quy tắc này, chẳng hạn như khi trẻ tắm, thay đồ hoặc khi trẻ chạy chơi quá xa tầm mắt cha mẹ…

Cha mẹ tập luyện cùng bé

* Nhắc lại nhiều lần hướng dẫn an toàn đơn giản cho trẻ:

- "Nếu ai đó chạm vào người con một cách không bình thường, hãy nói với mẹ về điều đó. Mẹ sẽ giúp con".

- "Người lớn không cần phải chạm vào vùng đồ lót/đồ bơi của trẻ em trừ khi đó là vì lý do sức khỏe, vệ sinh".

- "Con không nên đi xa hoặc đi chung xe hoặc nhận quà cáp của những người mà con không biết dù cho họ nói gì". 

* Thiết lập các quy tắc trong gia đình:

- "Con không nên để người khác biết nếu con đang ở nhà một mình".

- “Con có thể nói “không” với bất cứ ai muốn con phá vỡ những quy tắc trong gia đình. Mẹ sẽ giúp con".

* Tập luyện cách xử lý trong các tình huống:

- "Nếu con đang chơi (ở một nơi nào đó) và một người đàn ông hay người phụ nữ rủ con vào xe hoặc vào nhà của họ?...".

- "Nếu ai đó làm những điều tốt khiến con cảm động và yêu cầu con giữ bí mật?...".

- "Nếu ai đó cho con tiền (hoặc một thứ gì đó con thực sự muốn) để phá vỡ quy tắc gia đình chúng ta?...".

* Dạy trẻ cách từ chối bằng lời nói:

- "Không".

- "Cháu không muốn bị chọc lét”.

- "Để cháu yên. Cháu sẽ la lên đấy".

- "Cháu không được phép làm điều đó".

Khi dạy trẻ nói không, hãy chỉ cho trẻ cách giật tay mình khỏi tay một ai đó, chạy đi, lắc đầu…