Ý nghĩa những chữ viết tắt thường thấy trên thân xe

(VOH) - FWD, 4WD, 4x4.... là những chữ cái ta thường bắt gặp được đính trên thân xe ô tô. Song không phải ai cũng biết ý nghĩa của chúng là gì...

Tùy theo thiết kế và công năng, nhiều xe ô tô có cơ chế vận hành khác nhau nhằm thích nghi với các loại địa hình không ổn định hoặc trơn trượt. Có nhiều nguyên lý truyền lực từ động cơ vào các bánh xe, gọi chung là hệ dẫn động.

Có thể phân biệt các đặc điểm này bằng tên gọi thông dụng là dẫn động cầu trước (2 bánh trước), dẫn động cầu sau (2 bánh sau), dẫn động 4 bánh toàn thời gian (2 cầu toàn thời gian), hay dẫn động 4 bánh bán thời gian (2 cầu bán thời gian).

Những cụm từ viết tắt như FWD, RWD, AWD, 4WD là tên viết tắt tiếng Anh của các kiểu dẫn động ấy.

Dẫn động cầu trước FWD (Front Wheel Drive)

FWD là kiểu dẫn động phổ biến và thịnh hành nhất trên thị trường bởi bố trí đơn giản và gọn gàng giúp tiết kiệm nhiên liệu và làm tăng không gian nội thất của xe.

Ở thiết kế này, động cơ được đặt ngay trước đầu xe, truyền trực tiếp đến 2 bánh trước, do đó, trọng lượng và lực kéo được tập trung vào phía trước nên xe sẽ có lực kéo tốt.

chữ viết tắt thường thấy trên thân xe

Hệ dẫn động cầu trước điển hình.

Theo nhận xét của các chuyên gia, nhược điểm chung của mẫu xe dẫn động cầu trước là xe có xu hướng bị thiếu lái khi vào những khúc cua gấp (xe sẽ vào cua ít hơn so với thao tác đánh lái của tài xế).

Trong những điều kiện địa hình khó, xe còn có xu thế vẫn chạy thẳng mà ít phản ứng lại tác động đánh lái của lái xe. Các mẫu xe sử dụng kiểu dẫn động này gồm Chevrolet Cruze, Kia K3, Toyota Vios hay Honda City. 

Dẫn động cầu sau RWD (Rear Wheel Drive)

RWD vốn đã thống trị ở dòng xe du lịch đến tận đầu những năm 1980s cho đến khi FWD xuất hiện.

Đúng với tên gọi của mình, đây là thiết kết nhằm đưa sức mạnh động cơ truyền đến 2 bánh sau để làm xe chuyển động. Kiểu dẫn động cầu sau này đòi hỏi một động cơ mạnh mẽ, tuy nhiên nó phù hợp và hiệu quả với ở những chiếc xe có trọng lượng lớn.

Đó cũng là lí do tại sao, kiểu dẫn động này được sử dụng rộng rãi ở các mẫu xe tải, bán tải cỡ lớn, xe thể thao, xe đua ...

Hệ dẫn động cầu sau điển hình.

Nhược điểm của các dòng xe dẫn động cầu sau là khi gặp những đoạn đường đòi hỏi phải vào đánh lái nhiều, các xe dẫn động cầu sau thường có xu hướng thừa lái. Nghĩa là xe bị cua nhiều hơn mức người lái mong muốn.

Trong những điều kiện địa hình khó, đặc điểm này có thể khiến bánh xe bị trượt hoặc xoay tròn. Thừa lái khó kiểm soát hơn thiếu lái, do đó nó cũng nguy hiểm hơn và đòi hỏi người cầm lái phải có kinh nghiệm xử lý tốt.

Dẫn động 4 bánh bán thời gian (4WD hay 4x4)

Xe có hệ dẫn động 4 bánh bán thời gian có thể hiều đơn giản là loại xe có thể dẫn động bằng 2 bánh hoặc 4 bánh tùy vào lựa chọn của người lái thông qua một cơ cấu gài cầu (hoạt động bằng cơ hoặc bằng điện) đặt bên trong xe.

Các xe loại này thường được trang bị hộp số phụ 2 cấp với tốc độ cao và tốc độ thấp, cho hiệu suất lực kéo tối đa.

Hầu hết các hệ thống 4WD khi hoạt động ở chế độ dẫn động 2 bánh (thường được ký hiệu là 2H) đều truyền mô-men xoắn tới bánh sau như RWD. Riêng chế độ dẫn động bằng 4 bánh thì thường được ký hiệu là 4H với các cấp độ "High" và "Low" khác nhau tùy vào hãng sản xuất.

Kiểu dẫn động này khá phổ biến ở những xe tải, bán tải dẫn động bánh sau và xe SUV cỡ lớn. Hệ dẫn động 4 bánh bán thời gian cung cấp lực kéo và khả năng vận hành tốt nhất trong điều kiện đường địa hình phức tạp, lồi lõm, trơn trượt...

Những chiếc xe dẫn động 4 bánh bán thời gian thường vận hành ở chế dộ dẫn động cầu sau cho đến khi yêu cầu bắt buộc cần lực kéo của cả 4 bánh (dẫn động 4 bánh bán thời gian).

Dẫn động 4 bánh toàn thời gian AWD (All-Wheel Drive)

Hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian tính toán và chủ động truyền công suất đến trục trước và trục sau khi xe khởi động để ngăn bánh xe bị trượt sau đó quay trở lại dẫn động một cầu trước nếu như không có sự cố trượt bánh.

Hoặc dễ hiểu hơn, AWD là hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian "thông minh" có thể tự điều chỉnh để phân phối lực "quay" đến từng bánh xe nhằm đem lại độ bám đường và khả năng vận hành ổn định cho chiếc xe.​

Ở hệ thống này, công suất từ động cơ được truyền tự động thông qua hộp số phụ 1 cấp (hộp số phụ kết nối với hộp số để chia công suất giữa 2 bánh trước và 2 bánh sau). Loại truyền động này thường được trang bị cho các dòng sedan cao cấp như Mercedes-Benz S-Class, BMW 7-Series, xe đa dụng Minivan hay Station Wagon...

Ưu thế của AWD nằm ở chỗ người lái không cần phải thực hiện thao tác gì để khởi động hệ thống. Đối với những chiếc xe có hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian (AWD), cả 4 bánh xe luôn được kéo cùng một lúc.

Hộp số phụ nằm giữa hệ thống dẫn động sẽ quyết định xem mô men xoắn sẽ được phân bổ như thế nào giữa 2 bánh trước và 2 bánh sau.

Xe dẫn động 4 bánh toàn thời gian có xu hướng vận hành giống với xe dẫn động cầu trước và có thể bị thiếu lái khi đi vào những đoạn cua gấp.

chữ viết tắt thường thấy trên thân xe

Các loại hệ dẫn động phổ biến trên xe ô tô.

Tóm lại, khi nắm rõ đặc điểm và cơ chế của từng loại cơ chế truyền động chúng ta mới có thể xác định rõ ưu - nhược điểm và từ đó có quyết định đúng cho việc đầu tư một chiếc ô tô phù hợp với nhu cầu, sở thích và đặc điểm công việc của chính mình.