Nâng mặt đường đồng nghĩa với việc bỏ luôn tầng trệt

(VOH) - Tư hưu trí hỏi Hai Sài Gòn: “Sau vụ “lùm xùm” nâng cao mặt đường Kinh Dương Vương lên 2m để chống ngập dân tình đã phản ứng dữ dội, nghe nói UBND TP đã có ý kiến hạ độ cao xuống 2 tấc rưỡi, thế thì tại sao Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận Thủ Đức làm chủ đầu tư lại được duyệt dự án nâng cao mặt đường Quốc lộ 13 đoạn đi qua 2 phường Hiệp Bình Chánh và Hiệp Bình Phước lên 2m5, cao hơn đường Kinh Dương Vương 5 tấc?”.

Không đợi Hai Sài Gòn trả lời Ba thợ hồ chắc lưỡi hít hà “Tui không hiểu mấy ông chuyên gia có bằng cấp nầy, bằng cấp nọ sao lại không thấy chuyện nâng cao mặt đường lên 2m tức là sẽ lắp bít hết nhà của người dân 2 bên đường. Với kinh nghiệm của người “xách xi măng đi tô” tui thấy mặt đường nâng cao 2m so với hiện hữu thì không thể hình dung nhà dân sẽ như thế nào.

Hiện nhà dân chỉ cao ngang mặt đường nên đường nâng lên 2m thì phải bỏ luôn tầng trệt chứ làm sao ở được. Đó là chưa kể hàng mấy trăm, thậm chí cả ngàn căn nhà của người dân ở phía sau 2 bên đường bị ngập lụt khi mưa xuống, lạ thiệt”.

Nâng mặt đường đồng nghĩa với việc bỏ luôn tầng trệt 1

Ảnh minh họa - Nguồn: Baomoi

Tư hưu trí nói thêm “Nghe nói dự án có tổng vốn đầu tư gần 380 tỉ đồng, gồm các hạng mục chính là xây dựng hệ thống cống thoát nước, làm vỉa hè, trồng cây xanh hai bên và kết hợp với việc nâng cao mặt đường hiện hữu. Mấy trăm tỷ bỏ ra mà kết quả chẳng biết như thế nào, nghĩ tới thiệt là nẫu ruột”. Để cho anh em trong nhóm nắm bắt tình hình chuyện “lùm xùm” nâng cao mặt đường Kinh Dương Vương đoạn từ mũi tàu Phú Lâm tới vòng xoay An Lạc lên 2m, Hai Sài Gòn thông tin “UBND TPHCM vừa đồng ý với phương án giảm độ cao mặt đường Kinh Dương Vương, trên cơ sở đề nghị của Trung tâm điều hành chống ngập nước thành phố.

Cụ thể, đối với những đoạn chưa thi công thảm bêtông nhựa, sẽ điều chỉnh hạ cao độ mặt đường xuống bớt 25cm so với thiết kế. Đối với những đoạn đã thi công thảm bêtông nhựa, tiếp tục triển khai thi công hoàn thiện mặt đường theo thiết kế được duyệt và điều chỉnh  độ dốc vỉa hè từ 2% xuống 0,5%; giảm cao độ vỉa hè xuống khoảng 10cm tại vị trí sát nhà dân. UBND TPHCM cũng chấp thuận chủ trương bổ sung thêm trạm bơm công suất 42.000 mét khối/giờ để giảm ngập cho tuyến đường này và khu vực dân cư trong thời gian chờ dự án cống kiểm soát triều hoàn thành”.

Mới nghe tới đây, Tư hưu trí chận lời Hai Sài Gòn liền: “Như thế có nghĩa là khi làm dự án chống ngập ở đường Kinh Dương Vương mấy ông chủ đầu tư chỉ “a thần phù” làm thôi chứ chưa tham khảo dự án kiểm soát triều cường toàn TP. Nghe nói kinh phí dành cho dự án này lên tới 10.000 tỷ đồng?

Hai Sài Gòn thấy cách đặt vấn đề của Tư hưu trí là có cơ sở. Cơ sở chỗ nào? Nói về dự án nâng cao quốc lộ 13 ở 2 phường của quận Thủ Đức, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước thuộc Trung tâm Chống ngập TPHCM, cho biết đến nay Trung tâm Chống ngập vẫn chưa nhận được thông tin chính thức về dự án này.

“Qua báo chí chúng tôi mới biết được dự án này do Ban Quản lý dự án quận Thủ Đức làm chủ đầu tư, đã được Sở GTVT phê duyệt. Theo quy định của UBND TP, tất cả dự án thoát nước chống ngập trên địa bàn, chủ đầu tư phải gửi cho Trung tâm Chống ngập để lấy ý kiến về chuyên ngành. Tuy nhiên, dự án nâng quốc lộ 13 cũ không thấy chủ đầu tư gửi hồ sơ cho chúng tôi góp ý việc nâng đường lên cao bao nhiêu cần phải tính toán kỹ để không gây nhiều bất lợi cho người dân”.

Hơn nữa  ông Đỗ Tấn Long còn cung cấp thêm thông tin: “đoạn Quốc lộ 13 nằm bên trong bờ sông Sài Gòn, trong khi đoạn sông này đã có dự án xây đê bao. Trên lý thuyết, những nơi đã có dự án đê bao bên ngoài thì không nhất thiết phải nâng đường bên trong. Vì đã có đê bao ven sông và bờ bao ở kênh rạch nên có ý kiến cho rằng nâng quốc lộ 13 quá cao không chỉ tác động xấu đến đời sống người dân mà còn gây lãng phí.

Mới đây, UBND TP đã giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc tính toán lại cốt nền xây dựng để phù hợp với tình hình mới. “Nếu thực hiện đúng tiến độ thì sau năm 2018, dự án chống ngập triều cường hoàn thành giai đoạn 1 thì đỉnh triều ở TP sẽ được khống chế. Khi đó, ở những vùng đã hết ngập triều, không cần phải nâng đường cao để chống ngập” – Cả Tư hưu trí và Ba thợ hồ đều chưng hửng. Ai cũng “Ủa, sao lạ vậy, dự án chống ngập cả mấy trăm tỷ mà cơ quan quản lý chống ngập không biết. Tại sao không phối hợp với dự án chống ngập triều cường toàn TP.

Nhân Tư hưu trí nói về sự phối hợp kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”, Hai Sài Gòn cập nhật thông tin thời sự liền “Mới cách đây mấy bữa Chủ tịch UBND TP khi kiểm tra dự án xây dựng Bệnh viện Nhi đồng ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, phải kêu lên khi dự án sắp đưa vào hoạt động mà đường xá đi vào bệnh viện chưa có”.

Không hiểu nổi sự phối hợp như vầy rồi sẽ còn đi tới đâu.