Hết đường chạy tuổi

(VOH) - Ba thợ hồ vừa cười ha hả vừa bộc lộ sự khoái chí của mình: “Ít ra thì kỳ này Đảng ta cũng quyết tâm chống chuyện chạy tuổi, theo thông báo của Ban bí thư thì kể từ ngày 18/8/2016 không xem xét điều chỉnh tuổi của Đảng viên, mà thống nhất xác định tuổi theo hồ sơ lý lịch Đảng viên khi được kết nạp vào Đảng. Như vậy là đã rõ: hết căn cứ để sửa tuổi, đồng nghĩa với việc chặn đường “chạy tuổi”.

Trao Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng cho các Đảng viên lão thành. (Ảnh minh họa: Thanh Hòa/TTXVN)

Tư hưu trí thì chặc lưỡi hít hà hồi tưởng: “Ngày xưa đi làm Cách mạng là biết trước và chấp nhận “gươm kề tận cổ, súng kề tai”. Còn bây giờ “một bộ phận không nhỏ” kẻ cơ hội, tha hóa, đã chui lọt vào làm “quan Nhà nước”. Một trong những hậu quả của nạn “chạy chức chạy quyền” là tham quyền cố vị, ra sức duy trì “ghế” để thu lợi, hưởng thụ”.

Ba thợ hồ “phăng” tới liền: “Ai là người chạy tuổi?”. Hai Sài Gòn “mắc nói” quá chừng, không nín được “xin trả lời ngay là có những đảng viên có chức có quyền, lưu luyến “cái ghế” gắn với lợi danh; bớt đi vài tuổi, thậm chí vài tháng tuổi, có thể thêm được một nhiệm kỳ tại vị bởi sẽ được quy hoạch vào cấp ủy, thường vụ, ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND”.

Ba thợ hồ “dí” tiếp “Tại sao người ta muốn chạy tuổi?”. Lần này Tư hưu trí “nhanh chân”: “Để chậm về hưu, chậm về hưu nghĩa là còn tại vị, còn tại vị nghĩa là còn “nói có người nghe, đe có người sợ, nợ có người trả”. Suy cho cùng, chạy tuổi cũng chỉ để đảm bảo quyền lợi cho riêng cá nhân, một thứ quyền lợi gói gọn trong bốn chữ, “vinh thân phì gia”. Ba thợ hồ hỏi tiếp “Tui nghe vụ chạy tuổi này mấy năm rồi, nhưng chưa nghe cụ thể trường hợp nào hết, mấy anh biết kể cho tui nghe với”.

Hai Sài Gòn với giọng điệu miền Tây, lên tiếng: “nhóc” luôn, tui chỉ nêu một vài trường hợp “lộn tùng phèo” cho mấy anh nghe chơi, đó là trường hợp ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long là điển hình cho nạn cán bộ ta trẻ lại bất thường.

Theo giấy CMND được cấp năm 2007, ông Minh sinh năm 1958. Sau đó, ông này được bổ nhiệm chức vụ Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Vũng Liêm thì năm sinh của ông trong hồ sơ cán bộ cũng thay đổi, từ năm 1958 thành ra năm 1962, tức giảm đi 4 tuổi. Khôi hài là em ruột ông Minh làm bảo vệ cũng tại Chi cục thuế này lại sinh năm 1960, tức là hơn ông Minh 2 tuổi. Anh làm Thủ trưởng ít tuổi hơn em ruột. Ban đầu cũng bị dị nghị ở cơ quan, sau dần thành quen. Mãi sau này bị Thanh tra, mới lộ ra và chuyển qua Ban tổ chức làm rõ.

Ở Hậu Giang, có quan Phó chánh Thanh tra tỉnh ông Lê Khả Đoàn cũng “bị lộ” khai gian trẻ lại 3 tuổi! Theo xác minh của Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Hậu Giang, năm  2011, ông Đoàn xin làm lại giấy khai sinh và “hạ” năm sinh từ 1955 thành 1958.

Sau đó, lấy giấy khai sinh để điều chỉnh hộ khẩu, CMND, bằng tốt nghiệp đại học. Kết luận của Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy Hậu Giang nêu rõ: “Ông Đoàn đã sử dụng các giấy tờ sinh ngày 30/6/1955 gần 37 năm qua, nay xin điều chỉnh giảm đi 3 tuổi trong thời điểm gần đến tuổi nghỉ hưu gây dư luận không tốt trong nội bộ và ngoài xã hội, làm ảnh hưởng đến tổ chức và uy tín cá nhân”.

Hành vi chạy tuổi có những trường hợp “cười ra nước mắt” như chuyện những giáo viên mầm non được sửa lại tuổi ở huyện Đông Hòa (Phú Yên), có giáo viên được sửa hơi lố thành ra 14 tuổi đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Rồi Hai Sài Gòn “bình luận” liền: “Không phải ngẫu nhiên mà Ban Bí thư đã ký thông báo về việc xác định tuổi của đảng viên. Nếu không có sự gian lận về tuổi tác; hoặc giả sự gian lận ấy chỉ hiện diện trong một nhóm rất nhỏ thì chắc Ban Bí thư cũng không đưa ra một thông báo như vậy. Điều đó cũng có nghĩa, chạy tuổi hóa ra không phải chuyện cá biệt mà có vẻ đã trở thành chuyện phổ biến” ở các tỉnh, thành, địa phương.

Ba thợ hồ thơ ngây hỏi “những người tự hạ thấp tuổi lấy lý do gì mới được chứ, hồ sơ Đảng, CMND, hộ khẩu, bằng cấp từa lưa hết làm sao qua mặt cơ quan quản lý, chỉ trừ trường hợp được sự đồng tình của cơ quan quản lý cán bộ”. Tư hưu trí 'OK' cái rụp, bởi: “họ đều có một kiểu nói như nhau, do thất lạc giấy tờ, do cha mẹ nhớ nhầm, do nhiệt huyết muốn cống hiến, nên tự ý khai tuổi lên nay muốn điều chỉnh.

Tui hoàn toàn đồng ý về sự đồng tình của cơ quan quản lý cán bộ, chuyện này đã và đang xảy ra. Cụ thể, ông Vương Đức Lâm, vốn là Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài bị tố cáo là dùng bằng cấp 3 giả, có tới ba năm sinh khác nhau (1957, 1959 và 1960), giấy khai sinh cũng bị cạo sửa, nhưng đoàn kiểm tra lại cho rằng việc ông Lâm cải chính năm sinh từ năm 1957 thành 1960 đã được Thị ủy Đồng Xoài chấp nhận. Cao hơn nữa, theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, nguyên văn thế này: “Kết quả kiểm tra cũng cho thấy việc cải chính năm sinh trong hồ sơ đảng viên của ông Lâm đã được cấp có thẩm quyền cho phép và thực hiện theo đúng hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”. Vì “kính thưa các đồng chí bị lộ “nên ông Vương Đức Lâm đã bị rút tên khỏi dự kiến cấp ủy trong Đại hội Đảng Thị Xã vừa qua”.

Hai Sài Gòn cho rằng thông báo số 13 của Ban bí thư là một kết luận sáng suốt để bảo đảm không có sự du di và kỷ luật Đảng cũng vậy. Một người trước khi vào Đảng đã phải kê khai lý lịch một cách trung thực, rõ ràng nhất, cho nên sau này không có chuyện hồi tố, không được phép khai lại. Đảng viên nào kê khai gian dối, làm mất uy tín của Đảng thì phải kỷ luật đảng viên đó. Thứ hai là trách nhiệm của những người có quyền quyết định điều chỉnh tuổi của đảng viên cũng như trách nhiệm của các cơ quan pháp lý có liên quan. Vì những người gian dối đó một mình bản thân họ không làm được mà phải nhờ bên tư pháp, chính quyền địa phương, kể cả thông đồng với cơ quan đang làm việc. Vì vậy, những người có liên quan phải chịu trách nhiệm trước Đảng, cũng như nhận các hình thức kỷ luật. Có làm triệt để như thế mới góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh được”.

Cả Ba thợ hồ và Tư hưu trí đều cho rằng đó là điều nhân dân và những Đảng viên chân chính mong chờ.