Dân chỉ mong công khai minh bạch giá điện

(VOH) - Tư hưu trí hỏi Hai Sài Gòn “chuyện tập đoàn điện lực VN mà tên giao dịch gọi là EVN, đang tổ chức lấy ý kiến về cách tính biểu giá điện, anh biết thế nào nói cho anh em biết với?”.

Hai Sài Gòn thông tin bởi cách tính giá điện hiện nay quá nhiều cung bậc, phức tạp, lộn xộn quá, nên EVN có trình cho Bộ Công Thương 3 phương án cách tính giá điện mới là phương án 1 giữ nguyên giá điện 6 bậc như hiện nay; phương án 2 tính đồng giá 1.747 đồng/kwh và phương án 3 là rút gọn từ 6 bậc xuống còn 3 - 4 bậc. Riêng phương án 3, có 5 kịch bản để lựa chọn. Đa phần các đại biểu thống nhất phương án 3 và lựa chọn hoặc hoán đổi một trong số 5 kịch bản khác nhau.

EVN đang tổ chức lấy ý kiến về cách tính biểu giá điện. Ảnh: TPO

EVN đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến ở Hà Nội và Đà Nẵng, có lẽ trong tuần nầy sẽ tổ chức hội thảo ở thành phố mình. Qua theo dõi Hai Sài Gòn được biết, phương án 3 đáp ứng được các tiêu chí: mục tiêu an sinh xã hội, không để người nghèo gánh giá điện cao, tránh chồng chéo, phức tạp như cách tính 6 bậc và bắt buộc nhà giàu tiết kiệm điện. Ba thợ hồ thì cho rằng “người dân chỉ mong ông điện năng công khai minh bạch giá thành điện, khi đã thấy rõ rồi nhà nước nói bao nhiêu thì người dân “a lê hấp” trả bấy nhiêu thôi.

Tư hưu trí cũng cho là cái “mắc mứu" lớn nhất trong cách tính tiền điện hiện nay là chưa công khai minh bạch chứ không phải là cao hay thấp. Hai Sài Gòn đồng tình với mấy anh bạn mình bởi vấn đề lớn hơn biểu giá là thể chế và kỹ thuật để tiến đến thị trường điện cạnh tranh, nhưng đến nay chưa thấy cách giải quyết. Vì EVN không thể làm giá điện cho Nhà nước, mà chỉ làm giá điện cho chính EVN.

Giá điện nhà nước gồm chi phí của EVN để làm ra điện và các yếu tố khác như thuế cùng những chi phí liên quan. Việc của EVN là giảm chi phí. EVN làm giá cho cả ngành điện thì rất cần xem xét có đúng chức năng và thẩm quyền không? Xét về mặt quản lý nhà nước mà nói, việc Ông điện đứng ra tổ chức hội thảo phương án tính biểu giá điện, mà nói theo dân “quần đùi áo số” là “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Ai phân xử anh nếu anh sai? Bởi giá điện là vấn đề nhạy cảm, nên phải do cơ quan chức năng có nhiệm vụ tham mưu cho chính phủ trong xây dựng phương án và quản lý giá điện là Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) đảm nhiệm.

Vậy nhưng các cuộc Hội thảo này EVN không chỉ là đơn vị xây dựng phương án giá điện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, mà còn trực tiếp đứng ra chủ trì, “gánh” trọng trách tổ chức và lấy ý kiến từ các bên liên quan, có phải là trật chìa không? Phải có sự phân biệt rõ ràng chức năng quản lý và kinh doanh chứ, đáng lý EVN làm đề án nâng cao năng suất, đề án giảm tổn thất điện năng vậy mới đáng hoan nghênh, chứ không nên bỏ kinh phí ra tổ chức hội thảo các phương án tính biểu giá tiền điện, rồi mai mốt Ông tính vào giá thành điện nữa là chết dân đen. Ba thợ hồ khoái chí trước lập luận của Tư hưu trí nên khen một câu “chà bữa nay két lột lưỡi nên hót hay gớm”.

Hai Sài Gòn thấy thế này, từ năm 2009 đến nay mỗi lần tăng giá điện đều không tạo được đồng thuận cả xã hội, có lý do người tiêu dùng không muốn giá tăng, nhưng cũng có lý do EVN không thực sự minh bạch. Với biểu giá cũ đã gây bức xúc, EVN lại đưa tiếp phương án mới, như thế có bảo thủ không? Hai Sài Gòn kiến nghị với Bộ Công thương cần “siết” EVN đảm bảo hiệu quả đầu tư để giảm chi phí giá thành điện, công khai minh bạch về hoạt động kinh doanh và giá thành sản xuất điện. Còn cách tính tiền điện theo phương án nào thì Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đưa ra những luận cứ thuyết phục hơn cho việc rút gọn phương án và lý giải cho được vì sao phương án nào thì tiền điện phải nộp dự kiến cũng tăng, không có phương án giảm giá như giá xăng dầu. Tư hưu trí đố mấy anh bạn là cớ làm sao EVN bày ra mấy phương án tính biểu giá tiền điện.

Chờ anh em "tịt ngòi" hết, Tư hưu trí mới tiết lộ là theo thằng cháu của ảnh làm ngành điện này, chuyên đi ghi chỉ số điện cho biết EVN sợ nếu tiếp tục ghi chỉ số với mức tiền điện tăng cao ở các bậc thang lớn như trước nay trong thời điểm nắng nóng, người dân dùng nhiều điện dễ phản ứng việc ghi chỉ số điện tiêu thụ quá nhiều, không chính xác, điều này có thể tạo sự phẫn nộ trong dân, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của ngành điện. Hai Sài Gòn, Ba thợ hồ cùng mấy anh em chỉ biết “ủa vậy à, sao kỳ vậy ta?”.