Đà Nẵng, thành phố bình yên

(VOH) - Thời gian gần đây chúng ta nghe nói là đường phố TP Đà Nẵng rất là trật tự ngăn nắp, khách du lịch đến TP nầy ai cũng hài lòng. Khi nghe thông tin nầy, thực lòng Hai Sài Gòn (HSG) không tin, vì theo suy nghĩ nông cạn của mình, TP Hà Nội, TPHCM với nguồn nhân tài vật lực dồi giàu nhứt nước mà làm miết mấy năm rồi, chẳng thấy “xi nhê” chi, thì TP Đà Nẵng “sức mấy” mà lập lại kỷ cương đô thị hoành tráng như tin đồn được.

Ảnh chỉ có tính minh họa.

Hôm tuần trước HSG cùng nhóm anh em rủ nhau mua tour “di sản Miền Trung “4 ngày 3 đêm, trong đó ngủ và ở TP Đà Nẵng 2 đêm 2 ngày để vừa thăm lại dải đất Miền Trung mà đã 5 năm rồi HSG chưa đặt chân tới, thứ nữa là để kiểm nghiệm xem tin đồn về trật tự đô thị ở TP nầy có đúng như tin đồn hay không?

Trên đường từ sân bay về khách sạn Tư hưu trí cứ hít hà xuýt xoa miết về sự thông thoáng trên vỉa hè không có chuyện lấn chiếm bán hàng, còn dưới lòng đường dù là giờ cao điểm xe 40 chỗ chở đoàn cứ bon bon mà chạy, trừ lúc phải dừng chờ đèn đỏ thôi. Trên các tuyến đường đi qua, HSG thấy cứ độ 100 thước là có tấm bảng màu đỏ chữ trắng với dòng chữ “tuyến đường cấm bán hàng rong, cấm chèo kéo khách, cấm bán báo dạo…

HSG hỏi anh hướng dẫn viên du lịch về những điều mắt thấy của mình thì được giải thích TP Đà Nẵng cấm bán hàng rong trên một số tuyến đường trọng điểm, nơi có nhiều khách du lịch vãng lai như Bạch Đằng, Trần Phú, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Hùng Vương, Phạm Văn Đồng, Võ nguyên Giáp và 3 khu vực (cầu Sông Hàn, Bảo tàng Điêu khắc Chămpa, Quảng trường 2-9).

Những đối tượng hàng rong bị cấm bán trên các tuyến đường này gồm: bán dạo sách báo, đánh giày, các loại hàng rong di động. Đối với những người bán vé số, Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính xây dựng quy chế riêng quản lý. Về, trách nhiệm quản lý được giao cho UBND các quận, trong đó tăng cường trách nhiệm cho các phường. Theo quy chế, phường nào để người bán hàng rong xuất hiện, lãnh đạo phường sẽ phải chịu trách nhiệm. Việc kiểm tra, xử lý này lâu dài sẽ giao cho Công an và Thanh niên xung kích.

Thời gian đầu sẽ xử lý ở mức răn đe để tuyên truyền; nếu phát hiện vi phạm lần thứ hai sẽ bị phạt tiền từ 20.000 - 500.000 đồng tùy mức độ vi phạm. Nếu vi phạm lần thứ ba, đối với người có hộ khẩu ở Đà Nẵng sẽ lập thủ tục giao cho UBND các quận, huyện, xã, phường giáo dục, quản lý; người ngoại tỉnh sẽ bị xử lý bằng biện pháp đưa lên Trung tâm bảo trợ xã hội để đưa về địa phương hoặc đào tạo nghề.

Tư hưu trí hỏi vậy còn người ăn xin thế nào? Anh hướng dẫn viên cho biết Đà Nẵng đã giải quyết dứt điểm tệ nạn ăn xin từ 3, 4 năm nay rồi, lúc đó UBND TP phải trả cho người dân 300.000 đồng nếu cung cấp kịp thời người ăn xin đang hoạt động ở khu vực nào để lực lượng chức năng đưa về Trung tâm nuôi dưỡng xã hội. Đó là mấy thông tin ban đầu mà nhóm HSG nghe được.

Tối hôm đầu tiên ở Đà Nẵng, HSG cùng số anh em đi “kiểm nghiệm thực tế” coi như thế nào. Đầu tiên cả bọn kéo vào quán bán hải sản ở bãi biển Mỹ Khê trên đường Võ Nguyên Giáp thì quả đúng như lời anh hướng dẫn viên du lịch, không có người bán hàng rong thậm chí như mấy món đậu phộng, trứng cút, chả vẫn xuất hiện thường xuyên mấy quán ở TP mình, thứ hai giá cả được niêm yết công khai từ bia hiệu gì, tới 1kg nghêu là bao nhiêu, 1 dĩa nghêu 200 gram, dĩa ½ kg là bao nhiêu, các loại hải sản khác đều niêm yết rất cụ thể. Không có dấu hiệu nào “chặt chém” hết.

Theo gợi ý của Ba thợ hồ, anh em đi tìm quán Karaoke kiểu ở TP mình, đi gần suốt đêm tìm không ra. Về cung cách phục vụ phải nói là hầu hết các quán, các nhà hàng dù là do Công ty du lịch đưa vào hay anh em trong nhóm tự đi ở đâu cũng rất là lịch sự. Tất nhiên chỉ mới “cưỡi ngựa xem hoa” có 3 đêm 4 ngày thì đưa ra nhận xét, hay kết luận là TP Đà Nẵng là quá tốt, TP đáng sống hay không, thì HSG cùng anh em trong nhóm chưa dám. Nhưng rõ ràng với những gì mắt thấy tai nghe, tay sờ tận nơi, thì lĩnh vực trật tự văn minh đô thị, TP Đà Nẵng bước đầu có chuyển biến tích cực.

Đây không phải là nhận xét của nhóm HSG mà hầu hết những người Việt sống ở nước ngoài về cùng đi trong đoàn cũng đều cảm nhận như thế. Tư hưu trí hỏi HSG tại sao Đà Nẵng làm được mà TP mình có cả năm trật tự văn minh đô thị mà chẳng thấy chuyển biến gì? Rất bài bản, HSG trả lời “nhiệm vụ của Đảng bộ TP mình trong nhiệm kỳ nầy phải thực hiện bằng được xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Tư hưu trí đồng ý với HSG đó là mục tiêu bao trùm đến năm 2020 là như thế, liệu mục tiêu nầy có theo “năm trật tự văn minh đô thị” như trước đây không? Tại sao ngay từ bây giờ TP không làm thí điểm một vài tuyến đường không có hàng rong, không có chèo kéo khách, không được lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, rồi sau đó triển khai rộng ra, phải biến câu chữ trong nghị quyết bằng hiện thực đi.

HSG cho là về mặt khách quan TP mình có tới gần 10 triệu dân, trong đó có vài triệu người nhập cư, khác với Đà Nẵng số dân nhập cư không nhiều nên dễ quản lý hơn. Tư hưu trí không đồng tình với HSG mà anh cho là tại chúng ta chưa cương quyết với chính quyền, các ban ngành cấp Phường xã.

Ở Đà Nẵng, chính quyền TP giao cho Quận huyện, phường xã, Chính quyền nơi nào làm không được, xin để người có tâm huyết làm và phải làm cho bằng được. HSG bần thần suy nghĩ, Tư hưu trí nói cũng có lý, cũng logic và lọt lỗ nhĩ quá đi chứ.