Cải cách giáo dục từng năm ?

(VOH) - Thưa bà con, Tư hưu trí “kè” cho bằng được Ba thầy giáo tới gặp HSG để tranh luận chuyện cải cách giáo dục. Bởi mấy bữa trước đây HSG và Tư hưu trí có bàn cãi chuyện cải cách giáo dục nước ta từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước đến nay, gần như mỗi nhiệm kỳ là có “cải cách giáo dục”.

Có nhiệm kỳ với vài lần “cải cách” mà chẳng thấy có gì tiên tiến hiện đại, cứ lòng vòng như gà mắc tóc. Ba thầy giáo cho là cách đây hơn 35 năm, khi bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước, đảm nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đã cho rằng “giáo dục phải trên cơ sở khoa học thực tiễn, mà nền giáo dục nước ta đã tụt hậu so với thực tiễn giáo dục; nó không những không phát huy vai trò làm cơ sở xây dựng chủ truơng, chính sách giáo dục mà trong nhiều trường hợp trở thành thứ khoa học minh hoạ cho chính sách”.

Rồi anh “ôn cố”: ngay sau khi thành lập nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, xuất phát từ nhận thức “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, Bác Hồ đã xác định, để giữ vững độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân thì nhiệm vụ khẩn cấp của giáo dục là xây dựng hệ thống giáo dục bình dân nhằm “diệt giặc dốt”. Bác cũng từng đặt kỳ vọng vào việc giáo dục thế hệ trẻ để đưa nước ta đến chỗ sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Chính phủ ngay sau đó xác định mục tiêu của nền giáo dục mới là: “Tôn trọng nhân phẩm, rèn luyện chí khí, phát triển tài năng” và khẳng định tính chất cơ bản của nền giáo dục là: “dân tộc, khoa học, đại chúng với tôn chỉ phụng sự lý tưởng quốc gia và dân chủ”.

Chính nhờ mục tiêu này tạo nên nguồn nhân lực dồi giàu cho xây dựng XHCN ở Miền Bắc và chi viện cho giải phóng Miền Nam. Thế nhưng, sau ngày giải phóng đến nay, chúng ta loay hoay mãi mà chưa đưa ra được mục tiêu, giải pháp gì cho đào tạo nguồn nhân lực một cách cơ bản. Tư hưu trí cho là Bộ Giáo dục đào tạo phải chịu trách nhiệm trước 200.000 người tốt nghiệp đại học, có học vị cử nhân, thậm chí là kỹ sư đang thất nghiệp kia kìa.

Ảnh minh họa - Nguồn: Petrotimes

Rồi Tư hưu trí dẫn chứng, kỳ thi 2 trong 1 vừa tốt nghiệp phổ thông trung học vừa xét tuyển đại học năm 2015, cả học sinh, phụ huynh học sinh đều “oải chè đậu”, vậy mà đến nay gần hết học kỳ một năm học 2015-2016 rồi chuyện thi cử thế nào, các môn thi ra sao cũng “u u minh minh” chưa thấy Bộ Giáo dục đào tạo công bố chi hết. Thầy biết dạy thế nào, trò học cái gì ? Vậy mà nói kỳ thi diễn ra tốt đẹp 80,90 % thí sinh đậu và các mục tiêu đặt ra cho kỳ thi đều đạt được…

HSG hỏi ý kiến Ba thầy giáo về nội dung cải cách giáo dục mấy năm nay thế nào ? được anh trả lời “Tui nhớ hồi mới ra trường, người ta thường nói đào tạo ra những con người vừa hồng vừa chuyên, hoặc đào tạo ra những con người có đủ tài đức, hoặc mục tiêu giáo dục bao gồm các mặt đức, trí, thể, mỹ, lao động... Và để đạt được các mục tiêu ấy thì tiên học lễ, hậu học văn... Song, nếu hỏi các nhà quản lý giáo dục và giáo viên hiểu và giải thích về mục tiêu này thế nào, lễ, văn bây giờ là gì... thì chắc chắn sẽ có nhiều cách hiểu và giải thích khác nhau. Vì vậy, việc đầu tiên là cần xác định rõ mục tiêu giáo dục để tất cả cùng thống nhất hiểu đúng, từ đó mới chuyển động hướng tới thực hiện mục tiêu ấy.

Tư hưu trí trả lời liền, thì hội nghị lần thứ 8 TW khóa 11 đề ra "giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân", tức là hướng đến nhu cầu học tập suốt đời. Khoa học, công nghệ phát triển liên tục, ngành nghề, kỹ thuật luôn đổi mới đòi hỏi mỗi người phải có năng lực tự học. Vì vậy, điều quan trọng trong đổi mới dạy học là phải rèn luyện phương pháp tự học của học sinh. HSG thấy Tư hưu trí cũng cập nhựt tin tức thời sự quá đi chứ nhưng vấn đề là phương pháp dạy học thế nào ? Điều mà chúng ta cứ nói mãi mà chưa thấy hiện thực ra sao.

Thời gian và vận hội không cho phép tiếp tục thử nghiệm, thí điểm những loại hình giáo dục mà thế giới đương đại đã khẳng định. Phải tìm hướng thoát và thoát ngay bằng những giải pháp cụ thể - hợp lý - đại chúng - khả thi. Sự nghiệp giáo dục không thể trải trên mặt bằng mà phải là bậc thang. Nhiệm vụ của giáo dục ở thời đại mới có mục tiêu mới - nội dung mới - phong thể mới. Nhưng qui cách - truyền thống là tính chất nền của mọi nền giáo dục. Phát triển phải tôn trọng qui luật tự nhiên. Sáng tạo nhưng không thể cá biệt. Cẩn trọng khác với hoài nghi. Phải tìm sự thích nghi và chấp nhận tính mặc nhiên của mô thức phổ thông để giúp chúng ta hội nhập, dễ dàng đưa giáo dục quốc gia đi vào quỹ đạo ổn định. Chẳng lẽ mỗi năm chúng ta lại cải cách giáo dục một lần để tiếp tục kiểm nghiệm và lại tiếp tục phải trả giá hay sao ? Cả Tư hưu trí và HSG đều tán đồng ý kiến của Ông thầy giáo không còn đứng trên bục giảng, mỗi tháng chỉ lĩnh lương hưu thôi.