Quyền được im lặng

(VOH) - Nhóm thân hữu của Hai Sài Gòn có thói quen mỗi cuối tuần họp mặt nhau để bình luận vấn đề thời sự nổi bật trong tuần. Tư hưu trí “nổ” đầu tiên với nội dung phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc Hội lần thứ 31 đã đặt lên bàn nghị sự một vấn đề rất quan trọng trong hoạt động tố tụng: Các nghi can bị bắt có được quyền im lặng để chờ luật sư của mình có mặt hay không? và anh "cắt nghĩa đùi" có nghĩa là những nghi phạm mới bị cơ quan điều tra tạm giữ được quyền im lặng để chờ luật sư đến bảo vệ quyền lợi cho mình.
Ông Nguyễn Thanh Chấn ở tù oan suốt 10 năm. (ảnh: nguoiduatin)

Rồi anh lý sự thế nầy, bởi thực tiễn đã cho thấy hầu hết các vụ án bị oan sai đều xuất phát từ việc bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, bị mớm cung, bức cung, nhục hình, buộc phải khai theo kịch bản và ý muốn của chủ quan của điều tra viên, kiểm sát viên. Anh dẫn chứng liền: ai cũng hiểu rằng nếu ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang khi bị bắt nếu được im lặng và nhờ luật sư đại diện trong khi thẩm vấn, thì ông đã không bị tra tấn đến mức phải nhận tội giết người, ngồi suốt 10 năm tù oan, hay gần đây là vụ Công An TP Tuy Hòa của Tỉnh Phú Yên dùng nhục hình khi điều tra gây tử vong cho nghi phạm Ngô Thanh Kiều mà Tòa án nhân dân tối cao buộc phải hủy án để điều tra lại từ đầu, trong đó có ông Thượng tá, Phó Công An TP Tuy Hòa, người có chức danh trưởng ban chuyên án.

Rồi anh tóm lại thế nầy: “tui rất hoan nghinh đề nghị của đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội: cần thiết phải quy định nghi can có quyền im lặng, không phát biểu, không khai báo cho đến khi có luật sư tham dự ngay từ bản cung đầu tiên. Đây là một quyền quan trọng của con người nói chung, của nghi can nói riêng mà luật pháp nhiều nước đã quy định từ lâu. Điều 31 Hiến pháp 2013, quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Điều này có nghĩa luật sư hoặc người được nhờ bào chữa có quyền tham gia ngay từ đầu để bảo vệ quyền lợi của người bị bắt, tạm giữ.

Các điều 48, 49 Bộ luật tố tụng hình sự thì người bị tạm giữ, bị can có quyền “trình bày lời khai” mà không quy định nào coi đây là nghĩa vụ bắt buộc tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Đồng tình với lập luận của bạn mình, Anh Năm thầy giáo dẫn chứng rất hùng hồn theo sử sách từ thời phong kiến, nước ta cũng có những cơ quan bảo vệ người bị bắt, bị xét xử oan sai. Để tránh nạn ép cung, tra tấn nghi can để buộc nhận tội, vua Minh Mạng đã lập ra cơ quan xử án tối cao của triều đình, gọi là Tam Pháp Ty, đó là nơi tập hợp ba cơ quan tư pháp là Bộ Hình (Tư pháp), Đô Sát viện (viện Giám sát) và Đại Lý tự (toà Phá án) để giải quyết những đơn kêu oan của dân. Chuyện đánh trống kêu oan, hay gọi là trống Đăng Văn cũng từ đó mà có. Ở một ý nghĩa nào đó, việc im lặng và cậy nhờ luật sư đại diện cũng giống như nương nhờ tinh thần ở một tiếng trống minh bạch. Ông bà mình từ xa xưa đã nghĩ đến sự công minh và quyền con người đến vậy.

Nghe bạn bè bàn luận sôi nổi, Hai Sài Gòn không thể “nín” được, vì “mắc” nói quá rồi, thật tình Hai Sài Gòn rất ư là “đã cái lổ nhỉ” sướng tới tê người luôn, khi nghe Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh về “quyền được im lặng” của người bị tạm giữ trong giai đoạn nghi can, Chủ tịch nói thế nầy “Các anh phải căn cứ vào quy định của Hiến pháp, quyền của người ta, tại sao lại bảo là muốn hay không muốn. Bị can có quyền im lặng cho đến khi luật sư xuất hiện. Phải để cho luật sư vào ngay từ đầu để nắm rõ sự việc, bảo vệ thân chủ. Tối cao của chúng ta là công lý và trước công lý thì mọi người bình đẳng. Bị can, bị cáo khi chưa bị buộc tội người ta có quyền bảo vệ mình, có quyền nhờ luật sư bào chữa trước tòa. Như vậy, để tránh tình trạng bức cung, dùng nhục hình. Luật của ta đã quy định như vậy chưa? Tôi muốn hỏi khi chưa đảm bảo điều kiện tranh tụng, quyền của bị cáo tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa chưa được đảm bảo thì phiên tòa có mở không?”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đã tranh tụng thì phải bình đẳng, bên luận tội và bên gỡ tội phải bình đẳng trước tòa, bình đẳng từ cái chỗ ngồi chứ không nên để ông ngồi trên cao ông ngồi dưới thấp. Các đại biểu Quốc hội tham dự cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội có ý kiến, Chủ tịch Quốc hội có ý kiến. Chính vì vậy, Hai Sài Gòn cho rằng quyền được im lặng để chờ luật sư của mình xuất hiện, không chỉ là yêu cầu chính đáng, mà còn là một đòi hỏi cấp bách, cần phải được đưa ngay vào luật. Khi mới bắt nghi can, cơ quan điều tra phải giải thích và tạo mọi điều kiện để nghi can mời luật sư. Và chỉ khi có sự hiện diện của luật sư, Điều tra viên mới được hỏi cung. Như thế thì luật pháp mới công bằng và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Có làm được như thế, việc dùng nhục hình để mớm cung, bức cung, mới hoàn toàn chấm dứt./.