Nên hay không giao học sinh tiểu học làm bài tập ở nhà

(VOH) - Thưa bà con, Hai Sài Gòn có đứa cháu nội đang là học sinh tiểu học ở một trường thuộc Quận 1, mấy hôm rày nó hí hửng ra mặt, khi cha mẹ nó kêu dò bài, bắt nó đưa tập dặn dò ra để làm bài tập như mọi khi thì nó cười hì hì “bây giờ đâu có làm bài tập nữa đâu, thầy cô nói là cấp trên cấm giao bài tập cho học sinh tiểu học về nhà làm rồi, bây giờ chỉ làm bài trong lớp thôi.
ảnh minh họa: VTC)

Ngạc nhiên quá, Hai Sài Gòn liền hỏi đưa cháu nội là tại sao thầy cô không dặn dò làm bài tập về nhà làm như mấy năm trước, đứa cháu nội của Hai Sài Gòn trả lời rất ư đỉnh đạt “Thầy cô nói là thực hiện thông tư 30”. Trời đất ơi, thằng bé mới 9,10 tuổi mà biết tới “thông tư, nghị định” quá đã luôn “con cháu chúng ta giỏi thật”. Bán tín bán nghi, Hai Sài Gòn mới đi tìm hiểu qua mấy người quen, người thân trong gia đình làm ngành giáo dục thì mới biết cách đây mấy năm Bộ GD&ĐT yêu cầu chỉ đạo các trường tiểu học có kế hoạch giảng dạy phù hợp để học sinh hoàn thành bài tập tại lớp, tuyệt đối không giao bài làm thêm ở nhà đối với cấp tiểu học học 2 buổi/ngày.

Bộ GD&ĐT cho rằng các trường nên bố trí thời lượng tối đa 15 tiết/tuần cho buổi học thứ 2, trong đó dành 3 tiết để hướng dẫn thực hành kiến thức đã học và tổ chức học sinh tham gia các hoạt động thực tế tại địa phương; dành 4 tiết để dạy các môn học tự chọn Ngoại ngữ (2 tiết), Tin học (2 tiết); dành 4 tiết để bồi dưỡng học sinh có năng khiếu về Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Vậy nhưng chủ trương này của Bộ GDĐT chưa được nhiều trường ở TPHCM chấp hành nên các cháu vẫn phải làm từ 2 đến 3 bài tập mỗi đêm theo thầy cô cho trong tập “dặn dò”, mãi đến giữa học kỳ 1 năm học này, nhiều trường tiểu học ở TPHCM mới “đồng loạt” không giao bài tập về nhà với lý do: “thực hiện thông tư 30 nên nhiều phụ huynh “tá hỏa”, chưa sẵn sàng tiếp thu chủ trương mới này của Bộ GDĐT.

Sau một hồi suy gẫm Hai Sài Gòn nghĩ như vầy: “Bộ đã nghiên cứu tâm sinh lý của trẻ, hơn nữa khoa học giáo dục ngày một tiến bộ, nên mới có chủ trương không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, thôi thì phụ huynh học sinh chấp hành thôi”. Tuy nhiên, Hai Sài Gòn vốn “thích đồ cổ, ôn cố tri tân” mà, hơn nữa Hai Sài Gòn phải thừa nhận trong cơ thể của mình có một phần máu bảo thủ, nên mới sáng sớm hôm sau, Hai Sài Gòn ra quán cà phê thật sớm để gặp anh em trong nhóm trút nỗi ấm ức của mình.

Mới nghe Hai Sài Gòn bày tỏ nỗi niềm, cả Tư hưu trí, Ba thợ hồ, Cựu chiến binh Bảy Nghiệp ai cũng có cùng tâm trạng như Hai Sài Gòn. Tư hưu trí thì cho rằng học sinh giỏi là nhờ làm nhiều bài tập, bài tập được thầy cô giao về nhà làm cũng có nghĩa là học xong trong lớp về nhà thực hành lại. Học đi đôi với hành mà ! Còn Ba thầy giáo thì cho rằng tác dụng chính của bài tập về nhà là nhằm giúp trẻ có thói quen học tập ngoài giờ, cũng như giúp trẻ hình thành ban đầu kĩ năng sắp xếp phân bố, sắp xếp thời gian. Khi trẻ học tiểu học, những học sinh chịu khó làm nhiều bài tập thường dành được điểm cao hơn các bạn khác trong những bài kiểm tra kiến thức định kỳ. Đó cũng là lí do vì sao mà giáo viên luôn đặt yêu cầu cao cho việc học, muốn trẻ làm nhiều bài tập, học nhiều hơn. Tâm lý hơn, cựu chiến binh Bảy Nghiệp phân tích bài tập về nhà không chỉ là một cơ hội cho các cháu học tập, mà nó cũng là một hình thức để cha mẹ tham gia vào quá trình giáo dục con cháu.

Sau một hồi nghe anh em phân tích, Hai Sài Gòn trở lại nhận định ban đầu là chúng ta phải ủng hộ chủ trương nầy của Bộ GDĐT vì như mấy anh đã nghe, lý do Bộ đề ra việc không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học cũng rất là khoa học và biện chứng quá đi chứ. Hơn nữa chủ trương này Bộ đã ban hành mấy năm nay rồi, đến bây giờ TP mình mới thực hiện thì cũng đã có quá trình kiểm nghiệm. Coi chừng tư tưởng “hoài cổ” của lớp già tụi mình không còn phù hợp nữa đó. Thôi thì chúng mình cứ theo dõi xem việc thực hiện chủ trương không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học một thời gian coi hiệu quả ra sao, lúc ấy kiến nghị và góp ý cũng được./-