Giám sát và phản biện xã hội

(VOH) - Thưa bà con, sáng sớm nay, cuộc họp “giao ban” hàng ngày của nhóm Hai Sài Gòn diễn ra tại bàn trà nhà anh Tư hưu trí, nội dung bao trùm của cuộc họp là “giám sát và phản biện xã hội”.

Chưa nhâm nhi hết “nước nhứt” của ly trà thì anh Ba thợ hồ hỏi: “Giám sát và phản biện xã hội là gì mà mấy năm nay tui cứ nghe văng vẳng, mấy bữa rày thì nghe dồn dập hẳn lên ?”. Chủ xị cuộc họp là anh Tư hưu trí, anh giao nhiệm vụ cho nhà báo Hai Sài Gòn “quán triệt” cho anh em trong bàn trà.

Chấp hành sự phân công, sau khi uống cạn ly trà móc câu đậm đặc của xứ Thái Nguyên, Hai Sài Gòn hưng phấn hẳn lên và cất giọng “oanh vàng” liền: “Giám sát và phản biện xã hội đã có cách đây gần 10 năm. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã khẳng định vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Hiện nay Mặt trận đang thực hiện ba nhiệm vụ rất quan trọng. Thứ nhất là động viên quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, chính sách. Thứ hai là giám sát. Thứ ba là phản biện xã hội. Trong những nhiệm vụ này, Đại hội MTTQVN lần thứ 8 đang diễn ra tại Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng nhiệm vụ phản biện xã hội là cực kỳ quan trọng. Các đại biểu đều hướng về mục tiêu: mở rộng dân chủ, thực hiện dân chủ tối đa mới có thể giám sát và phản biện xã hội.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nhận xét: dân chủ bị vi phạm rất nặng nề, giám sát và phản biện xã hội là yêu cầu rất bức thiết. Đảng phải thấy xót xa nếu để thiếu dân chủ, vì thiếu dân chủ dễ dẫn đến dân bị oan khuất và bức xúc.

Hơn 1.000 đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 8 - Ảnh: TTXVN.

Theo nhận thức của Hai Sài Gòn giám sát cơ quan Nhà nước, giám sát cán bộ là quyền của dân, quyền của những người chủ đất nước đối với những quan chức được dân trao quyền sử dụng để thực hành quyền dân chủ của mình. Giám sát và phản biện xã hội là quyền của dân, giám sát và phản biện xã hội là lý do tồn tại của Mặt trận, là trách nhiệm của Mặt trận với dân, với Đảng. Đảng là thành viên lãnh đạo của Mặt trận, Đảng luôn tạo mọi điều kiện để Mặt trận hoàn thành nhiệm vụ lịch sử: đưa giám sát và phản biện xã hội vào cuộc sống, trở thành một nếp sinh hoạt thường xuyên ở mọi nơi trong cả nước. Chỉ có người dân thông qua Mặt trận, thực hiện quyền giám sát và phản biện xã hội mới có thể giúp Đảng và Nhà nước chống tham nhũng, chống đói nghèo, chống tụt hậu có hiệu quả, mới có thể làm trong sạch bộ máy Nhà nước và đảm bảo sự vững mạnh thực sự của Đảng.

Anh Tư hưu trí bổ sung thêm: “Chính vai trò của Mặt trận được thể hiện rõ hơn, cao hơn là thông qua vai trò này. Thực chất của vấn đề phản biện xã hội là thực hiện quyền làm chủ của dân trong điều kiện một Đảng cầm quyền, để làm cho đường lối, chủ trương của Đảng được thể hiện một cách đúng đắn nhất, đầy đủ nhất nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Những vấn đề này được thể hiện thông qua một tổ chức duy nhất đại diện cho quần chúng nhân dân, tổ chức đó là Mặt trận.

Anh Ba thợ hồ nêu thắc mắc: “Phản biện là phản đối chứ gì?”. Hai Sài Gòn phủ nhận và cho rằng, phải hiểu phản biện là có đồng tình, có trao đổi, thảo luận, có chấp nhận, có bổ sung. Phản biện trên tinh thần xây dựng, chứ không phải phản biện là chống lại tất cả. Đồng ý với những vấn đề đúng với nguyện vọng, lợi ích của nhân dân và không đồng tình với những chủ trương đi ngược lại lợi ích của nhân dân, chấp nhận những điều tương đối tốt và bổ sung lại những điều chưa tốt. Chính những điều này thể hiện tinh thần xây dựng của phản biện.

Anh Năm thầy giáo nêu câu hỏi “Tại sao Đại hội lần thứ 8 của MTTQ VN lại “làm đậm” phản biện xã hội? Theo thiển ý của Hai Sài Gòn: “Sở dĩ có vấn đề này là vì dân chủ đang trở thành xu thế lớn trên thế giới, vai trò của quần chúng nhân dân cũng ngày càng được chú trọng hơn. Dân chủ là một động lực phát triển của xã hội, là một xu thế, đặc biệt cần thiết khi chúng ta tiến hành hội nhập với quốc tế. Khi chúng ta bước vào hội nhập thì chúng ta phải thể hiện tinh thần dân chủ của nhân dân một cách toàn diện và có làm được như thế thì trong quá trình hội nhập chúng ta mới không bị ảnh hưởng của những thế lực có ý đồ xấu.

Về mặt nguyên tắc, phản biện xã hội là phải nói thẳng. Tất cả những vấn đề gì liên quan đến sự phát triển xã hội đều có thể đưa ra để phản biện. Đối với Mặt trận và các đoàn thể thì phải phản biện có trọng tâm, trọng điểm. Phản biện theo chức năng nhiệm vụ của tổ chức, đồng thời phản biện theo đơn đặt hàng nhưng phải đảm bảo tính độc lập. Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân mà còn là biểu hiện sinh động của cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý"…

Không chỉ Anh Ba thợ hồ, anh Năm thầy giáo đều “ờ hén” mà tất cả những anh em có mặt trong bàn trà đều thừa nhận trong tình hình hiện nay thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, MTTQ VN sẽ là trung tâm đoàn kết tất cả các dân tộc Việt Nam ở trong và ngoài nước. Tất cả đồng lòng ra sức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2020, đủ sức và lực giữ gìn vững chắc chủ quyền lãnh thổ và biển đảo của đất nước.