Mang bữa cơm ấm áp đến những người khó khăn

VOH - Bếp ăn 0 đồng của bà Chu Thị Kim Anh ở Phường 14, Quận 11 đã duy trì hoạt động bền bỉ suốt 15 năm qua bằng việc làm ý nghĩa.

Trời chưa sáng rõ, con hẻm trên đường Đỗ Ngọc Thạnh, quận 11 nhiều người còn ngái ngủ thì Bếp ăn từ thiện của bà Chu Thị Kim Anh đã rổn rảng mở cửa. Bà lục đục dậy nấu cơm.

Trời sáng chút nữa, bà tranh thủ cùng mấy chị hội viên phụ nữ đi chợ mua rau củ, nguyên liệu. Về đến nhà, có thêm mấy cô và vài anh thanh niên ghé lại xào rau, kho thịt, luộc cải, làm nước chấm cho khoảng 700 đến 800 suất ăn để trao tặng người nghèo, người tàn tật, bệnh nhân khó khăn ở các bệnh viện.

Bà Chu Anh cho biết cách đây 15 năm, khi đó có rất ít nhóm bếp từ thiện: “Ban đầu chỉ là một nhóm hùn nhau nấu xong đem đi cho các bệnh viện thôi, nguồn kinh phí do mình hết. Sau này nhờ nhiều người đóng góp vào nên bếp mình tồn tại được cho tới ngày hôm nay”.

Đến nay, bếp được nhiều người biết đến, người thì cho gạo, cho thực phẩm, người cho tiền, người thì góp công để bếp không bị gián đoạn, cả nhóm quyết định mỗi tuần dành ngày thứ 5 hàng tuần để nấu từ 700 – 800 suất ăn với số tiền khoảng 10 triệu đồng trao cho người nghèo, lao động tự do, bán vé số, chạy xe ôm, người bệnh và thân nhân của họ trong bệnh viện…

Mang bữa cơm ấm áp đến những người khó khăn 1
Bếp từ thiện Chu Anh hoạt động bền bỉ suốt 15 năm qua - Ảnh: Phương Dung

Bà Chu Anh chia sẻ: “Một lần cháu của tôi điều trị trong Bệnh viện Nhi Đồng, lúc đó chứng kiến nhiều người khó khăn phải đi xin cơm từ thiện nên gia đình tôi kêu gọi nhau cùng góp vô để nấu... rồi tới bây giờ. Âu cũng là một cái nhân duyên thôi!".

Bằng tấm lòng tự nguyện và tình cảm yêu thương gửi gắm vào mỗi suất ăn, gồm 1 phần cơm, 1 chai nước, thỉnh thoảng có thêm trái cây. Bà Ha Mi Da - dân tộc Chăm, ngụ phường Cầu Kho, Quận 1 - gia nhập nhóm bếp Chu Anh hơn 1 năm kể: “Các suất cơm dành cho bệnh nhân Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và bà con cơ nhỡ đường phố phát quà đêm. Mình làm cái này là làm từ cái tâm và mình sắp xếp thời gian mình đến mình phụ sơ chế thức ăn rồi mình đem tới trao tới các bệnh viện”.

Không chỉ nấu cơm phục vụ miễn phí cho bệnh nhân và người nghèo, nhóm còn thường xuyên tổ chức các chuyến từ thiện ở nhiều địa phương khác, thăm và tặng quà cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa...

Thấy việc làm ý nghĩa của các dì, các chị phụ nữ, anh Mai Ngọc Thanh cũng tình nguyện xin phụ giúp những công việc nặng nhọc nhất như vận chuyển các thùng cơm đến điểm phân phát, hay làm xe ôm chở nguyên vật liệu…

Anh bộc bạch: "Thâm niên 5,6 năm rồi. Mỗi khi mình thấy người ta nhận cơm, gương mặt ngời hạnh phúc thì mình vui. Đa phần người ta rất cần bữa ăn như vậy. Mình giúp được cái gì người ta vui là mình vui”.

Tiếng lành đồn xa, hoạt động ý nghĩa của bếp ăn 0 đồng do bà Chu Thị Kim Anh khởi xướng đã thu hút nhiều phụ nữ cùng có tấm lòng thiện nguyện tham gia. Các món ăn được làm từ tâm huyết và tấm lòng của các dì, các chị nên luôn an toàn, sạch sẽ.

Bà Đoàn Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 11 nhận xét: “Đây là một trong những mạnh thường quân có tấm lòng hảo tâm. Nhóm tự quyên góp, tự bỏ công sức ra chăm chút từng bữa ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây cũng là một trong những nhóm thiện tâm hỗ trợ hiệu quả cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn quận cũng như ngoài quận”.

Không ngại khó, ngại khổ, những năm qua, bếp ăn 0 đồng của nhóm tình nguyện viên Chu Anh luôn “đỏ lửa”. Việc làm đầy ý nghĩa, nhân văn của các dì, các chị đang được nhân lên, thể hiện sự chung sức, chung lòng quyết tâm của các hội viên phụ nữ để chia sẻ khó khăn với bà con lao động nghèo. Sự hỗ trợ, sẻ chia không chỉ về vật chất mà còn chứa đựng tình yêu thương giữa con người với nhau đang tiếp tục lan tỏa.