Tỏi có tính kháng khuẩn mạnh và làm giảm cholesterol xấu

VOH - Một tép tỏi nhỏ không chỉ làm tăng thêm hương vị cho món ăn mà nó còn có tác dụng rất lớn đối với sức khỏe!

Tỏi có chứa khoảng 2% allicin, là chất kháng khuẩn tự nhiên. Ăn tỏi sống có thể ngăn ngừa nhiễm trùng đường ruột và phòng chống cảm cúm. Chất allicin trong tỏi có khả năng diệt khuẩn mạnh và có thể loại bỏ các chất độc hại ra khỏi đường tiêu hóa. Nó có thể làm giảm tác hại của các gốc tự do và có tác dụng chống ung thư nhất định.

Ngoài ra, tỏi còn chứa nhiều loại sunfua, axit amin, cũng như canxi, sắt, kali, magiê, selen, kẽm và vitamin A, B, C,… Có tác dụng tăng cường miễn dịch.

vhv---toi-khang-khuan
Tỏi không chỉ có thể làm tăng hương vị cho món ăn mà còn có nhiều tác dụng cho sức khỏe - Ảnh: TVBS

Tỏi có tính kháng khuẩn và là sát thủ của bệnh kiết lỵ

Lưu Thuần Quân, chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, tỏi không chỉ có thể làm tăng hương vị của món ăn mà hợp chất sunfua trong tỏi còn là thành phần kháng khuẩn, chống viêm, có thể ức chế và tiêu diệt vi khuẩn, nấm, virus và kháng bệnh quan trọng. Đây là chất có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng lại gây hôi miệng, đặc biệt là với tỏi sống.

Tuy nhiên, tỏi nấu chín thì hàm lượng các chất sunfua này cũng giảm đi đáng kể. Trong những năm gần đây, nó đã được sử dụng như một chất khử trùng và điều trị các bệnh về đường tiêu hóa.

Nghiên cứu khoa học đã khẳng định hợp chất allicin của tỏi có tác dụng chống viêm, diệt khuẩn, có tác dụng phòng ngừa nhiễm trùng, là sát thủ của bệnh kiết lỵ và có lợi ích trong việc chống oxy hóa. Allicin là một hợp chất được tìm thấy trong tỏi khi bị nghiền hoặc cắt lát mỏng.

Tỏi kiểm soát huyết áp, giảm cholesterol xấu và phòng chống ung thư

Chuyên gia Lưu Thuần Quân cho biết, chất sunfua trong tỏi có thể tạo ra hydro sunfua trong cơ thể con người, có thể giúp làm giãn mạch máu, ngăn ngừa xơ cứng động mạch, ngăn ngừa đông máu, điều hòa huyết áp, giảm cholesterol xấu, chất béo trung tính và ngăn ngừa bệnh tim mạch. Tác dụng chống oxy hóa của tỏi cũng là một chất chống ung thư tốt, ăn 1-2 tép (khoảng 3-6 gram) mỗi ngày là đủ có lợi cho sức khỏe.

Tỏi mọc mầm vẫn có thể ăn được?

Có nhiều người hỏi tỏi đã mọc mầm thì có ăn được nữa không? Chuyên gia Lưu Thuần Quân trả lời câu hỏi này như sau: khi tỏi có màu xanh sau khi cắt ra, điều này thường có nghĩa là tỏi sắp nảy mầm. Mặc dù tỏi đã nảy mầm hương vị của nó hơi giảm đi nhưng vẫn có thể yên tâm ăn được.

Tuy nhiên, mầm tỏi không độc hại nhưng quá trình nảy mầm sẽ tiêu tốn chất dinh dưỡng và khiến các tép tỏi bị teo tóp lại, làm giảm mạnh chất lượng. Cho nên, mọi người mua tỏi về nhà phải ăn càng sớm càng tốt.

Những cách ăn tỏi được khuyên dùng

Chuyên gia Lưu Thuần Quân khuyến cáo rằng, một người bình thường có thể ăn khoảng 2 đến 5 tép tỏi nhỏ. Thông thường ăn tỏi được chế biến trong các món ăn nhưng nếu dạ dày cho phép và chịu được mùi hăng mạnh của tỏi thì mọi người ăn tỏi sống sẽ là cách ăn tỏi tốt nhất.

Cách bảo quản tỏi

Chuyên gia Lưu Thuần Quân nói, mọi người mua tỏi về nhà nhớ đừng bao giờ bảo quản chúng trực tiếp trong tủ lạnh, vì nhiệt độ làm lạnh của tủ lạnh chính xác là nhiệt độ thích hợp để tỏi nảy mầm.

Chuyên gia Lưu Thuần Quân chia sẻ mọi người có thể bảo quản tỏi ở nơi khô ráo, thoáng mát và thời gian có thể bảo quản trong khoảng 6 tháng.

Cách bảo quản khác là mọi người có thể bóc tách tỏi thành từng tép rồi cho vào hộp thủy tinh, có thể bảo quản được khoảng 1 tuần. Hoặc lột sạch vỏ và cắt lát nhỏ mỏng, sau đó cho vào túi nhựa và để đông lạnh thì có thể bảo quản nó tối đa trong 1 tháng.