Tăng giá 1.800 dịch vụ y tế - Người bệnh trông cậy vào BHYT

(VOH) - Từ giữa tháng 11, 1.800 giá dịch vụ y tế sẽ tăng, chủ yếu tập trung cho đối tượng bảo hiểm y tế. Đến năm 2016, việc tăng giá này sẽ áp dụng đại trà. Điều này sẽ tác động như thế nào đến người bệnh? Bệnh viện cần có sự chuẩn bị ra sao để đáp ứng được mong đợi của bệnh nhân?

Từ giữa tháng 11, 1.800 giá dịch vụ y tế sẽ tăng. Ảnh minh họa: petrotimes

Những tiếng thở dài ngao ngán...

Bác Nguyễn Văn An  - 65 tuổi, quê Long An , 10 năm bị ung thư đại tràng đang điều trị tại bệnh viện Nhân dân 115. Cứ đi đi về về ròng rã 10 năm nay, cũng may là có thẻ BHYT chia sẻ bớt gánh nặng, gia đình chỉ lo phần nào và chi phí ăn uống, đi lại. Mấy bữa nay, ngồi ở bệnh viện nghe nói sắp tăng viện phí lần nữa, bác không khỏi lo lắng: "Dù chưa biết cụ thể ra sao nhưng tôi rất lo khi nghe tăng giá tới 1.800 loại viện phí. Người nghèo nghe tăng viện phí thì rất sợ. Tôi thì mua BHYT mưới mấy năm rồi nên mội lần khám chỉ đóng khoảng 4 - 5 triệu đồng, không có BHYT thì khoảng 50 triệu trở lên".

Nghe được trao đổi của chúng tôi với bác An, ngồi gần đó, bác Trần Thị Liên, 70 tuổi góp chuyện: Cô đưa chồng đi khám bệnh nhưng bảo hiểm y tế hiện giờ không thanh toán trái tuyến buộc lòng phải tự bỏ tiền túi đi chữa bệnh. Trị đúng tuyến thì bệnh không hết. "Viên phí tăng, dân nghèo đi khám bệnh rất lo. Người không bệnh thì chưa quan tâm, còn mình có bệnh mình phải lo, phải chạy tiền trị bệnh", bác Liên than.

Xét ở góc độ điều trị, nếu lần này giá 1.800 dịch vụ y tế tăng khá mạnh từ 2 đến 7 lần, tiền khám bệnh, tiền giường theo đó cũng tăng thì bệnh nhân có BHYT nhưng khám trái tuyến sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi.

Đơn cử như với bệnh viêm gan siêu vi B, khi viện phí tăng, theo Bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng – Trưởng khoa nội tiêu hóa bệnh viện 115 điều trị giá viện phí chênh lệch giữa người có thẻ và không thẻ BHYT sẽ rất lớn. "Viêm gan vi rút B bảo hiểm y tế rất tốt vì tất cả thuốc uống điều được bảo hiểm y tế chi trả. Viêm gan vi rút B thời gian điều trị dài, đôi khi điều trị cả đời nên ở người bị viêm gan vi rút B chênh lệch giữa người có bảo hiểm và không có bảo hiểm rất rõ ràng", bác sĩ Phượng cho biết.

Như vậy, với bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn mà không tham gia BHYT sẽ rất dễ lâm vào cảnh túng quẫn. Bác sĩ Nguyễn Đình Phú  - Phó giám đốc 115 kể: "Nếu không mua BHYT, so với thế giới dân mình nghèo thêm. Vì khi xảy ra bệnh với chi phí quá lớn họ phải đi vay mượn. Thậm chí họ phải bán cả tài sản quý giá nhất, thậm chí là bán nhà. Từ nghèo rồi lại rơi vào hoàn cảnh rất bi đát".

Ngoài đối tượng có thu nhập tốt, có thể lựa chọn dịch vụ, còn có nhiều hoàn cảnh nghèo khó, sống nay đây mai đó, nhóm đối tượng này hiếm khi mua BHYT. Khi đặt vấn đề tham gia BHYT với anh Nguyễn Văn Nam, chúng tôi đã nhận được  sự lo lắng: "Tăng viện phí, người dân rất khổ vì nhiều người không có khả năng mua bảo hiểm".

BHYT - chiếc phao cứu sinh

Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm – Phó giám đốc bệnh viện Nguyễn Tri Phương thì, đối tượng này rất cần sự hỗ trợ của xã hội khi giá viện phí ngày một tăng theo lộ trình vạch sẵn: "Các gia đình đông người không đủ điều kiện mua, đối tượng cận nghèo, họ gặp nhiều khó khăn, do đó, địa phương cần thông tin tư vấn hỗ trợ cho những người này nên mua BHYT".

Tại bệnh viện Ung bướu TP, phác đồ điều trị đòi hỏi tốn nhiều thời gian, công sức và tiền của, trước chủ trương tăng giá viện phí lần này bác sĩ Lê Hoàng Minh – Giám đốc bệnh viện – đề xuất: "Bệnh nhân chưa mua BHYT thì sang đầu năm 2016 nên mua. Tôi nghĩ với sự vận động của hệ thống chính trị, Bộ Y tế, UBND các tỉnh thành, về mặt xã hội nên vận động những người dân tham gia BHYT".

Sắp tới đây, giá viện phí tăng đồng loạt, nhưng hiện nay còn rất nhiều người chưa có thẻ BHYT. Ở góc độ quản lý nhà nước, bên cạnh việc khuyến khích người dân tham gia BHYT, cần làm sao để xã hội chung tay giúp đỡ bộ phận cận nghèo, dân nhập cư có được chiếc thẻ BHYT. Bên cạnh đó, cũng cần linh hoạt điều chỉnh quy định khám trái tuyến để bảo vệ quyền lợi người tham gia BHYT. Thiết nghĩ, song song với tăng viện phí thì BHYT cũng cần có sự điều chỉnh theo hướng tránh thiệt thòi cho người dân. Có vậy, người dân mới thấy được lợi ích thiết thực mà tự nguyện tham gia.