Những bông hoa trên đất thép ngày ấy bây giờ

(VOH) - Những nữ du kích Củ Chi năm xưa, cách đây hơn 50 năm, họ đi theo cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ, họ đã từng là nỗi khiếp sợ của kẻ thù. Chân đạp đất, đầu đội bom. Vậy mà tuổi xuân một thời đạn bom, khói lửa, mái đầu nay đã bạc, với khuôn mặt gánh nặng thời gian, chỉ ánh mắt là còn nguyên hào khí.

Nghe bài viết 

Không sợ chết, chỉ biết xung phong

Bà Võ Thị Mô (Bảy Mô), lớn lên trúng ngay nơi địch đi càn mỗi ngày nên bà bị cha ép chuyển đến nơi khác để tiếp tục học hành. Song, cô bé Mô vẫn kiên quyết ở lại cùng các anh, các chú. 12 tuổi đã tham gia giao liên, đưa dẫn cán bộ nội thành ra căn cứ, đào hầm địa đạo; 15 tuổi tham gia đội dân công hỏa tuyến, vận chuyển vũ khí về đơn vị.

Bà từng là Trung đội trưởng Đội nữ du kích Củ Chi khi mới 19 tuổi. Số lính Mỹ mà bà tiêu diệt nhiều đếm không xuể nhưng trong cuộc chiến bà cũng từng tha mạng kẻ thù, để rồi khi hòa bình lặp lại, lòng vị tha, nhân hậu của bà đã khiến những người lính Mỹ ấy vô cùng cảm kích và viết hẳn thành sách: “Lòng nhân đạo của nữ du kích Củ Chi”.

Nói về con đường cách mạng của mình, bà Bảy Mô cười: "Lúc mới đi thì còn hồi hộp nhưng khi nổ súng rồi thì không còn nữa. Thêm nữa khi nhìn đồng đội ngã xuống khiến lòng căm thù hăng lên. Cho nên lúc đó không sợ chết, chỉ biết xung phong thôi, đánh cho bằng thắng để đưa đồng đội mình ra".

 Bà Võ Thị Mô (Bảy Mô)

Nhắc đến đồng đội Bảy Mô, bà Lý Thị Tọa đầy tự hào nói: hồi đó ở đâu có chị Bảy Mô là mọi người rất an tâm theo đánh trận. Sự tự tin của các nữ du kích còn bởi ngoài mưu trí, dũng cảm, chị Bảy Mô còn là người rất giỏi chiến lược. 

Nữ du kích bà Tọa, cô bé 13 tuổi năm nào có vóc dáng nhỏ bé còi đẹt nhưng cứ đi đi về về trong lòng địch để đem thuốc tây, lương thực cho du kích. Các anh chị sai gì cô bé cũng làm được, cả đào thông hào, khuân đất, lấp lá ngụy trang  trên hố bẫy xe tăng, đào hầm chông, chặt tầm vông vác về, đi mua đinh dài về cho mấy chú.... nhiều lần bà nhanh trí qua mặt được bọn bảo an dân vệ mang về nấu cơm cho mấy chú, mấy chị ăn.

Bà kể: "Cô nuôi mấy cô du kích, đem gạo nấu cơm rồi rang lên ngào với đường đem bỏ xuống hầm cho cách mạng mình ăn đánh giặc, đánh mỹ. Ngoài ra cô còn đi gánh bánh tráng đem để dưới hầm để cách mạng mình ăn. Lúc vô vùng giặc cô có tí tẹo à, cô cải trang bỏ thuốc chích trong cám đội qua bốt bảo vệ".

Còn cô Cao Thị Hương là nữ du kích đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trên đất Củ Chi bằng súng trường "bá đỏ". Giai đoạn đầu tham gia cách mạng khi 15 tuổi, cô tòng quân với đặc điểm nhận dạng là nhỏ nhất đội, được các anh giao phụ trách đoàn văn công tỉnh Lâm Đồng. Đội văn công phục vụ được 1 năm thì cô bị địch bắt đưa về Bảo Lộc ở tù 2 tháng, sau đưa lên Đà Lạt thêm 8 tháng nữa. Ngày 1/11/1964, cô được thả tự do.

Về lại quê nhà ở ấp Mũi Lớn 1, xã Tân An Hội, Củ Chi, khi đó là ấp chiến lược, cô bé Hương gia nhập du kích. Được các chú trong lực lượng hỏi chọn ngành nào, cô bé Hương kiên quyết “ngành nào có súng thì đi”. 

Trong một lần cùng tổ chiến đấu của Năm Thuần đi bắn máy bay. Hai nam một nữ.  Họ cậy sức trai chạy thật nhanh ra chiến hào, bỏ cô xa dần. Nhưng cuối cùng cô cũng đuổi kịp. Lúc đó có 3 chiếc máy bay trực thăng đang liệng trên bầu trời. Tổ lần lượt phân công mỗi người 1 chiếc. Cô Hương chiếc thứ 3. Máy bay Mỹ bắt đầu ném bom. Quả bom đầu tiên, 2 đồng chí nam nằm xuống đất để tránh. Hai chiếc đầu đã trượt. Thấy vậy, cô đứng thẳng người tiến lên phía trước bắn mấy phát liên tiếp, chiếc máy bay bốc khói, hai chiếc còn lại áp sát chiếc máy bay trúng đạn, quay đầu, ít phút sau, chiếc trúng đạn rớt xuống đồng bưng, 2 chiếc còn lại bay đi, không ném bom nữa. Trận đó, cô được bằng khen biểu dương ghi rõ là “Nữ du kích Củ Chi đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ trên địa bàn”.

Kể về chiến công bắn rơi máy bay và xe tăng của Mỹ cô Cao Thị Hương nhớ lại: "Ba của cô bị Tây bắt và đánh chết, cô đi theo cách mạng là muốn trả thù cha và muốn giải phóng phụ nữ. Cô không biết bắn đại liên nhưng cô vẫn bắn rớt. Còn trường hợp đánh xe tăng là cô được phân công kết hợp vô đánh Đồng Dù...".

Các nữ du kích Củ Chi năm xưa trong một lần họp mặt.

Có thể thấy, những cô gái có vóc người nhỏ nhắn nhưng nghị lực phi thường ấy đã lập nên nhiều chiến công vang dội. Và ngồi trước mặt tôi bây giờ là cô bé Trần Thị Neo ngày ấy, hàng chục trận công đồn đánh trận, bao nhiêu lần trinh sát vác đạn, vác thương binh, dẫn đường cho bộ đội chủ lực. Bây giờ cô vẫn khỏe mạnh dù mất một bàn chân, dáng đi dù tập tễnh nhưng vẫn nhanh nhẹn. Cô kể, hồi đó cô khỏe lắm. Anh thương binh nào dù to con đến đâu cô cũng vác tuốt, còn chạy băng băng trong làn đạn pháo.

Cô cười nói: “Chị em hy sinh hết lượt này đến lượt khác, vậy mà tôi vẫn sống, chắc bom đạn nó chừa tôi ra”. 

Trong trận đánh đồn Phước Hưng của tiểu đoàn 7, lúc rút quân, pháo từ các bốt bắn chặn đường rút lui, chưa kịp tháo khẩu pháo ĐKZ, cô vác luôn khẩu pháo lên vai, lao chạy. Hai pháo thủ đi cùng chỉ biết chạy theo hộ tống trong sự kinh ngạc. Đến giờ nhớ lại cô cũng không thể ngờ mình vác nổi khẩu pháo trên trăm ký chạy băng băng.

Lớn lên, ở huyện đội Củ Chi có thành lập một đội nữ, cô là người đi sau một tí, thấy người ta thành lập đội du kích thì ham quá, mê quá nên đi theo vậy đó chứ không có ai rủ hết. Nhưng trong bom đạn cô không sợ, vác thương nặng cô không sợ mà cô sợ con vắt..." - cô Trần Thị Neo hào hứng nhớ lại.

Lao vào "cuộc chiến" khác

Kể về những trận đánh kinh thiên động địa năm xưa, cô hào hứng như sống lại thuở đôi mươi của những “nữ du kích Củ Chi” hào hùng. Nhưng khi hỏi về gia cảnh hiện tại cô không khỏi đau xót: Ba đứa con bị dính chất độc da cam, cơ thể thì phát triển bình thường, nhưng trí não khờ khạo, nửa khôn nửa dại. Các con của cô đã gần 40 cả rồi nhưng chẳng có ai tự nuôi thân được, là mẹ nên phải gánh cho đến lúc chết.

Đã hơn 40 năm đất nước ngưng tiếng súng nhưng có những sự day dứt vẫn in hằn theo thời gian. Xót xa lắm khi nhiều đồng đội đến giờ vẫn không thể tìm được hài cốt. Rồi có người quá lứa lỡ thì, về già trong cảnh độc thân. Có những người âm thầm gánh chịu hậu quả của chất độc da cam/dioxin. Lại có người chật vật lo toan cuộc sống thường nhật...Cho đến ngày chiến thắng, đã có 24 người của đội nữ du kích Củ Chi nằm xuống mảnh đất này. Các cô đã chỉ huy chiến đấu hơn 100 trận, diệt gần 500 tên địch, 200 lính Mỹ, phá hủy 70 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 15 máy bay…

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua vậy mà trong lòng những nữ du kích Củ Chi ngày ấy vẫn còn những nỗi đau chưa nguôi ngoai. Nhiều hố bom, vết đạn pháo còn chưa thể lấp đầy trên những thân phận con người ấy.