Nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội đền Hùng 2024

VOH - Năm 2024, tỉnh Phú Thọ tổ chức nhiều hoạt động, kỳ vọng mang đến cho du khách những trải nghiệm mới khi về tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội đền Hùng.

Chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội đền Hùng và Tuần Văn hóa-Du lịch đất Tổ năm 2024 diễn ra từ ngày 9/4 đến hết ngày 18/4 (tức từ mùng 1/3 đến hết mùng 10/3  âm lịch) tại thành phố Việt Trì, Khu Di tích lịch sử đền Hùng, các huyện, thị, thành trong tỉnh.

Phần lễ được tổ chức với nhiều nghi thức quan trọng như Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày mùng 6/3  âm lịch (ngày 14/4/2024); Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và Dâng hoa tại Bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong" ngày mùng 10/3  âm lịch (ngày 18/4/2024); 

Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh từ ngày 1-10/3  âm lịch (từ ngày 9-18/4).

le-hoi-den-hung-2130 16
Ảnh: TTXVN

Chương trình khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa-Du lịch đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 tổ chức tại Sân khấu Trung tâm lễ hội-Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Các hoạt động khác được tổ chức tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng trong suốt thời gian diễn ra lễ hội như Hội trại văn hóa và tổ chức trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng; Liên hoan văn nghệ quần chúng, dân ca Phú Thọ; Trưng bày hoa lan nghệ thuật; 

Hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; trình diễn múa Lân-Sư-Rồng (ngày 7/3 âm lịch) tại khu vực trục hành lễ-Trung tâm lễ hội và các hoạt động thể dục, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống; 

Lễ rước kiệu các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích về đền Hùng ngày 7/3 (âm lịch) (ngày 15/4/2024)...

Nhiều hoạt động diễn ra tại trung tâm thành phố Việt Trì như trưng bày hiện vật, di sản tư liệu thế giới, sách báo, tư liệu ảnh tại Bảo tàng Hùng Vương-Thư viện tỉnh Phú Thọ và Bảo tàng Hùng Vương; Hội chợ Thương mại và trưng bày sản phẩm OCOP tại Sân vận động Bảo Đà (phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì); Chương trình âm nhạc đường phố “Việt Trì Livemusic” tại Công viên Văn Lang;

Trình diễn hát Xoan làng cổ từ ngày 6-10/3 (âm lịch) tại các phường Xoan cổ trên địa bàn thành phố Việt Trì; Hội thi Bơi trải mở rộng tại hồ công viên Văn Lang vào ngày 6/3 ( m lịch); Giải bóng chuyền các đội cạnh tranh cúp Hùng Vương diễn ra từ ngày 3-6/3 (âm lịch).

Chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao tại Sân khấu phía Nam Công viên Văn Lang vào tối 9/3 ( âm lịch) mang đến không khí tươi vui, phục vụ đông đảo nhân dân và du khách về với đất Tổ.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương còn được gọi là Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ, là ngày để người dân Việt Nam tưởng nhớ đến công lao dựng nước của các vị Vua Hùng.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được thực hiện vào ngày 10/3 (Âm lịch) hằng năm tại Khu di tích Lịch sử Đền Hùng (quần thể di tích gồm Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Mẫu Âu Cơ, Lăng mộ...) trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì; 

Khẳng định người Việt có chung một nguồn gốc, tạo nên niềm tin tâm linh mạnh mẽ, tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa-tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm gia đình, làng xã và dân tộc.

Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương - thờ cúng ông Tổ chung của cả nước, có lẽ hiện nay trên thế giới chỉ có duy nhất dân tộc Việt Nam, đó là bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của dân tộc Việt Nam và cũng là Di sản Văn hóa tiêu biểu của nhân loại.

Qua các nghiên cứu trước đây cho thấy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khởi nguồn là lớp tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, thần núi.