Mers-Cov lây nhanh tại Hàn Quốc, TPHCM khẩn cấp ứng phó

(VOH) - Tính đến nay, theo Tổ chức Y tế Thế giới đã có 1.179 ca mắc và 442 trường hợp tử vong do Mers-Cov. Dịch xảy ra chủ yếu ở khu vực Trung Đông với 85% ca bệnh được ghi nhận.

Trước hình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp khu vực Trung Đông hay còn gọi là Mers-Cov lan nhanh tại Hàn Quốc, nhằm chủ động đối phó tình hình, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng Cục trưởng cục y tế dự phòng Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê đã có buổi thị sát tình hình tại 2 nơi chuẩn bị thu dung điều trị bệnh nhân Mers Cov là bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Tính đến nay, theo Tổ chức Y tế Thế giới đã có 1.179 ca mắc và 442 trường hợp tử vong do Mers-Cov. Dịch xảy ra chủ yếu ở khu vực Trung Đông với 85% ca bệnh được ghi nhận. Tuy nhiên, từ ngày 4/5/2015, trường hợp đầu tiên nhập cảnh tại Hàn Quốc nhiễm Mers-Cov. Tính đến ngày 4/6/2015, đây là quốc gia châu Á có số nhiễm bệnh chỉ trong vòng 1 tháng đã lên đến 35 trường hợp, trong đó có 2 ca tử vong.

Theo ông Trần Đắc Phu, cao điểm chỉ trong 10 ngày, vi-rút Corona đã lây lan sang 18 người tại Hàn Quốc... Điều này cũng dấy lên mối quan ngại cho Việt Nam khi hằng ngày tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay Nội Bài tiếp nhận tổng cộng trên 3.000 lượt đi và đến từ Hàn Quốc, chưa kể hành khách đến từ các nước khu vực Trung Đông. Việt Nam phải chuẩn bị đối phó với các tình huống có thể xảy ra. "Thứ nhất là chúng tôi tiếp tục cập nhật tình hình, theo từng tình huống để triển khai. Thứ hai là tiếp tục truyền thông để người dân không hoang mang đồng thời phòng, tránh. Truyền thông tại cửa khẩu, tại cơ Sở Y tế, tại cộng đồng. Tại cửa khẩu, truyền thông cho người nhập cảnh và xuất cảnh biết phòng, chống. Truyền thông tại cơ Sở Y tế để phòng lây nhiễm. Truyền thông tại cộng đồng để người dân cùng phòng, tránh", ông Phu khuyến cáo.

Sử dụng máy đo thân nhiệt để kiểm tra khách nhập cảnh từ vùng có dịch tại sân bay Nội Bài. Ản: SGGP

Mục tiêu của Bộ Y tế đặt ra là làm sao không có ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam, nếu có thì phải quản lý kiểm soát được.

Tại buổi làm việc với hai bệnh viện tuyến sau chuẩn bị tiếp nhận điều trị bệnh nhân là bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, cả hai bệnh viện đều đã xây dựng kế hoạch với đầy đủ quy trình ứng phó với Mers-Cov… Đặc biệt với bệnh viện Chợ Rẫy, vì số lượng bệnh nhân đến khám trên 2.700 lượt mỗi ngày nên công tác sàng lọc, phát hiện bệnh rất khó vì triệu chứng đầu tiên của bệnh này rất giống với viêm phổi, cảm cúm. Khoa cấp cứu và bộ phận tiếp nhận bệnh nhân của khoa khám bệnh chịu trách nhiệm sàng lọc lưu ý với những bệnh nhân về từ vùng dịch…

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn – Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy thì, lo sợ nhất là lây nhiễm chéo vì lượng bệnh nhân tại đây rất lớn: "Vào giờ cao điểm, tại bệnh viện, bệnh nhân rất đông nên chúng tôi e ngại nếu có trường hợp bệnh thật sự. Sợ nhất là lây nhiễm chéo tương tự Hàn Quốc. Về trang thiết bị với bệnh nhân Mers-Cov, lưu ý nhất vẫn là hồi sức cấp cứu, đặc biệt là máy thở. Hiện bệnh viện có 110 máy thở đã sử dụng toàn bộ cho người bệnh, một số trường hợp phải bóp bóng. Chúng tôi đang thực hiện việc xã hội hóa mua thêm máy thở, tuần sau 30 máy sẽ về, hy vọng đáp ứng được nhu cầu".

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, diễn tiến dịch mỗi nơi mỗi khác nên Việt Nam không thể lơ là. Bằng chứng là tại Hàn Quốc, số người nhiễm Mers-Cov đã lây sang thế hệ thứ ba nghĩa là không phải lây từ tiếp xúc với người nhiễm đầu tiên mà bắt đầu chuyển sang lây từ người qua người, tiếp xúc lẫn nhau. Và với điều kiện giao thương giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Thứ trưởng cảnh báo dịch bệnh Mers-Cov hoàn toàn có thể xâm nhập vào Việt Nam và chúng ta phải trong tình thế sẵn sàng ứng phó.

"Chúng tôi cho rằng, Mers-Cov hoàn toàn có khả năng xâm nhập vào Việt Nam, điều này đã được Bộ Y tế liên tục phát ra thông báo. Bởi vì giao lưu đi lại giữa Việt Nam và Hàn Quốc rất dễ dàng, rất nhiều người Hàn Quốc sang Việt Nam du lịch, làm ăn sinh sống và ngược lại. Đây là con đường dễ dàng cho Mers-Cov xâm nhập vào Việt Nam nên chúng ta cần lưu ý", ông Long cảnh báo.