Đồng lòng, nhất trí hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển KT-XH

(VOH) - Sau hơn 1 tháng làm việc khẩn trương, tích cực, chiều qua 28/11, kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII đã bế mạc.

Chiều qua, trước phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội đã thông qua 4 Nghị quyết quan trọng với tỷ lệ tán thành đều trên 70%, gồm: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong đó, Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng đạt sự đồng thuận cao nhất với tỷ lệ 92,35% phiếu tán thành.

Theo nội dung nghị quyết đã được thông qua, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm được tổ chức 1 lần vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ QH hoặc HĐND, vẫn giữ nguyên 3 mức tín nhiệm là: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Riêng đối với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Nghị quyết do bà Ngô Thị Minh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá - Giáo dục- Thanh niên- Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày, nêu rõ sẽ thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa và có nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Về vai trò của Bộ Giáo dục Đào tạo cũng như cụ thể hóa việc biên soạn sách giáo khoa, nghị quyết nêu: "Bộ GDĐT ban hành tiêu chí đánh giá SGK và phê duyệt SGK được phép sử dụng trên cơ sở kết quả thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GDĐT tổ chức biên soạn 1 bộ SGK được thẩm định, phê duyệt công bằng với SGK do các tổ chức cá nhân biên soạn. Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GDĐT".

Cùng với những nội dung trên, sau 1 tháng làm việc, Quốc hội đã thông qua 18 dự án Luật, 11 Nghị quyết và đóng góp ý kiến cho 12 dự án luật khác. Có thể nói, công tác xây dựng pháp luật chính là trọng tâm của kỳ họp lần này.

Các đại biểu dự phiên bế mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII - Ảnh: SGGP.

Kỳ họp cũng đã dành nhiều thời gian thảo luận, phân tích sâu tình hình năm 2014 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 2015 để có những quyết sách đúng đắn phát triển đất nước. Trong đó, có việc tiếp nhận người nghiện ma túy vào các cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội, về tăng lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách còn khó khăn... đáp ứng nguyện vọng của cử tri và đại biểu Quốc hội.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các Bộ trưởng trong tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, góp phần làm rõ những vấn đề mà đồng bào, cử tri cả nước quan tâm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng thời yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp tiếp tục có giải pháp tích cực, giải quyết 3.729 ý kiến, kiến nghị mà đồng bào, cử tri đã gửi đến kỳ họp lần này.

Tin tưởng vào sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ sắp tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tại phiên bế mạc: "Quốc hội tin tưởng với sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ vững vàng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015, tạo ra thế và lực mới để đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong các giai đoạn tiếp theo. Năm 2015 cũng là năm Quốc hội Việt Nam được Liên minh nghị viện thế giới tin cậy trao quyền đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU-132 tại Hà Nội- với chủ đề Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động. Đây là cơ hội để chúng ta góp tiếng nói vào chương trình nghị sự phát triển bền vững sau năm 2015 của thế giới, đánh dấu tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam".

Trước đó, buổi sáng cùng ngày, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người và Nghị quyết về quyền của người khuyết tật.

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã kết thúc thành công, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri cả nước. Với tinh thần này, tin rằng Chính phủ, các ngành, các cấp sẽ tích cực thực hiện có hiệu quả những nghị quyết, những lời hứa đã đưa ra trong kỳ họp, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của động đảo cử tri, đồng bào cả nước.