Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM thăm và làm việc tại Cơ sở xã hội Nhị Xuân

(VOH) - Ngày 17/12, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc hội TP đã đến thăm và làm việc với Cơ sở xã hội Nhị Xuân nhằm tìm hiểu và giải quyết các vướng mắc trong quy trình cắt cơn, giải độc và đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào các cơ sở ở TPHCM.

Từ khi có đề án cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người nghiện thì Trung tâm Giáo dục dạy nghề và Giải quyết việc làm Nhị Xuân được chuyển đổi thành Cơ sở xã hội Nhị Xuân để tiếp nhận những đối tượng nghiện lang thang, không có nơi cư trú ổn định  để cắt cơn, giải độc trước khi chuyển đến các trung tâm cai nghiện và giải quyết việc làm của Lực lượng Thanh niên xung phong.

Bà Trương Thị Mai  thăm và làm việc với Cơ sở xã hội Nhị Xuân . Ảnh: Phương Dung

Hiện cơ sở Nhị Xuân đang quản lý 760 người nghiện không có nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn nhiều vướng mắc và lúng túng. Đến nay vẫn chưa có hồ sơ nào chuyển đến Tòa án quận để có quyết định đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện theo quy trình. Nguyên nhân do người nghiện chủ yếu có hộ khẩu ở tỉnh và mất thời gian xác nhận nơi cư trú. Bên cạnh đó, việc xác định tình trạng nghiện khó khăn hơn do người nghiện ma túy tổng hợp chiếm tỉ lệ cao.

Trước thực tế này, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, yêu cầu Sở LĐTBXH TP tăng cường các biện pháp nhằm rút ngắn quy trình. Đảm bảo giới hạn quy trình trong 37 ngày như Luật Xử lý Vi phạm Hành chính. Bên cạnh đó, Sở Y tế cần tăng cường vai trò trong việc xác định tình trạng nghiện để tăng tốc quy trình đưa người nghiện vào các trung tâm: "Có thể nói thành phố chỉ đạo rất chặt chẽ, văn bản, quy định các bước để triển khai công việc này rất cẩn thận và bước đầu cũng chưa xảy ra sự cố gì đối với quá trình tiếp nhận này. Một số vướng mắc thì chúng tôi sẽ có đề xuất để xử lý cụ thể. Ví dụ như quy trình hiện nay thì tôi muốn rút ngắn thêm, nhưng chúng ta phải giải quyết một lượng người rất đông, từ 1.000 đến 2.000 người. Vì vậy, quy trình này khi chuyển sang cho tòa án cũng rất khó để tòa án có thể thực hiện được trong thời gian ngắn. Như vậy, phải tính toán lại để bố trí cho hợp lý hơn. Hoặc là phải tăng cường người xử lý, tăng cường các địa điểm cho đến khi tòa án ra các quyết định đưa người phải chấp hành quyết định này đi vào các cơ sở cai nghiện tập trung".