Ngày thứ 2 kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM: Đề xuất nhiều giải pháp để tăng trưởng kinh tế TPHCM đạt 8,3%

(VOH) - Sáng 11/7, Kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM khoá IX tiếp tục ngày làm việc thứ 2. Kỳ họp này kéo dài tới ngày 12/7.

Đề xuất nhiều giải pháp để tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt 8,3% vào cuối năm; vấn đề kết nối giữa nhà trường và các doanh nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là những vấn đề các đại biểu tập trung thảo luận tại ngày làm việc thứ hai.

Cần có giải pháp đột phá

Về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế Thành phố, đại biểu Phạm Quốc Bảo – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Thành phố cho rằng, mức tăng trưởng kinh tế Thành phố cao nhưng chưa bền vững. Có 4 thành phần: nông nghiệp tăng khá 6,8%, công nghiệp và xây dựng tăng hơn 7%, thương mại dịch vụ tăng 7,9%, hai thành phần này là chủ yếu. Trong cơ cấu tổng sản phẩm nội địa (GDP), công nghiệp xây dựng là 23% và thương mại dịch vụ là 63%.

Theo đại biểu Phạm Quốc Bảo, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt 8,3% vào cuối năm, những tháng cuối năm cần đạt tối thiểu 8,7%, muốn đạt được điều này cần có giải pháp đột phá. Từ đó, đại biểu Phạm Quốc Bảo đề xuất giải pháp, đối với công nghiệp và dịch vụ thương mại, 6 tháng cuối năm đặt mục tiêu bao nhiêu?, từ đó giao cho các ngành liên quan xây dựng các chỉ tiêu và theo dõi đánh giá việc này hàng tháng để cuối năm đạt được chỉ tiêu này.

Ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 9 HĐND TP khóa IX vào sáng 11/7.

Ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 9 HĐND TP khóa IX vào sáng 11/7.

Về công nghiệp, hiện Thành phố dựa vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu, chiếm khoảng 10% tổng sản phẩm nội địa (GDP), do đó, Thành phố cần chú trọng đến những động lực tăng trưởng mới. Ngoài ra, Thành phố cũng rất mạnh về công nghệ vi sinh học, và công nghiệp phần mềm, công nghiệp phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp phục vụ nông nghiệp không chỉ máy móc mà cần nghiên cứu công nghiệp sau thu hoạch.

Đối với xây dựng, để phát triển được, ngoài bất động sản, cần tập trung phát triển các công trình giao thông trọng điểm TP tuyến Metro, vành đai 2, vành đai 3. Muốn thực hiện được, nguồn vốn chỉ dựa vào ODA theo ông Bảo sẽ rất khó vì vướng nợ công và phân bổ.

Trong khi đó, TP.HCM tập trung đến 5% lượng kiều hối trong dân và nguồn vốn huy động quốc tế, nên đề xuất cần thành lập các ngân hàng về giao thông, ngân hàng phát triển hạ tầng thành phố để huy động các nguồn vốn này phục vụ cho các công trình giao thông trọng điểm.

“Về vấn đề môi trường đầu tư, 6 tháng đầu năm, Thành phố có 483 dự án cấp phép, nhưng 486 triệu đô la Mỹ, nghĩa là 1 dự án chỉ có 1 triệu đô la Mỹ, phải chăng môi trường đầu tư thấp và không hấp dẫn. Nên chăng Thành phố có tổng rà soát và lập các danh mục đầu tư các dự án đầu tư của các ngành để mới gọi đầu tư. Như vậy khi nước ngoài vào có để chào hàng, thúc đẩy môi trường đầu tư tốt hơn”, ông Phạm Quốc Bảo nói.

Đạo tào nghề thiếu sự kết nối với doanh nghiệp

Liên quan đến vấn đề giáo dục đào tạo nghề ở Thành phố, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú, các trường hiện thiếu sự kết nối cần thiết với doanh nghiệp, chưa phát huy được chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, trang thiết bị cho việc dạy và học ở một số trường còn lạc hậu, cản trở việc nâng cao công tác giảng dạy trong thực tiễn. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú đề xuất, thành phố nên có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia vào hoạt động giáo dục nghề, nếu cần thiết phải lồng ghép vào hoạt động chung của doanh nghiệp.

“Nếu như làm được việc này thì chúng ta sẽ có được những thuận lợi. Thứ nhất đối với doanh nghiệp thì có thể họ sẽ tìm ra được nhân tố tích cực trong quá trình sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp của mình. Thứ hai là có sự chia sẻ thông tin giữa doanh nghiệp và nhà trường thì có thể doanh nghiệp tìm ra được cách làm hay, cách làm hiệu quả, cái giải pháp hay phát triển hiệu quả kinh tế. Còn với nhà trường, với các em học sinh thì quá tốt, các em sẽ có điều kiện để thực tập tại cơ sở, cọ sát với thực tế và có điều kiện kéo gần việc đào tạo với thực tiễn hơn”, bà Nguyễn Thị Việt Tú nêu ý kiến.

Đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cũng dẫn ra con số thống kê về việc đào tạo nghề chất lượng cao hiện nay mới chỉ đạt mức 26,7%. Theo đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy, ở nhóm đầu vào, thành phố nên có một định hướng nhất quán trong việc phân bổ nguồn lực, tập trung cho một trường để làm thí điểm hay phân bổ đều cho các trường. Ở nhóm đầu ra, thành phố cần phát huy tính liên kết giữa chính quyền, doanh nghiệp và đơn vị đào tạo.

“Cần phát huy kiềng ba chân đó là chính quyền, doanh nghiệp và đơn vị đào tạo. Chính quyền cần có sự tham gia sâu hơn vào mối quan hệ này để đẩy mạnh phát triển. Thứ hai là khi chính quyền tham gia vào thì có thể định hướng được các ngành nghề đào tạo, nó sẽ phục vụ cho việc phát triển các sản phẩm ngành nghề chủ lực mà đồng chí Chủ tịch thành phố đã đặt ra vấn đề”, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cho biết thêm.