Bồi thường oan sai, thiệt hại còn nhiều điểm nghẽn

(VOH) - Hôm 27/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, Quốc hội đã nghe các Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật quản lý ngoại thương, Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) đồng thời thảo luận tại tổ về các nội dung này.

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm hơn cả, nhất là khi dư luận đang bức xúc về nhiều vụ án oan sai thời gian qua. Theo báo cáo, sáu năm thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước 2009, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường chỉ thụ lý, giải quyết chưa đầy 300 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó, nhiều vụ việc đến nay vẫn còn vướng mắc.

Ủy ban Pháp luật Quốc hội nhận định, tình hình oan sai trong lĩnh vực tố tụng hình sự còn nhiều, Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về thực trạng giải quyết bồi thường cũng như trách nhiệm bồi thường của nhà nước cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại, oan sai.

ĐB Dương Ngọc Hải, Viện trưởng Viện KSND TPHCM

ĐB Dương Ngọc Hải, Viện trưởng Viện KSND TPHCM thì cho rằng, không chỉ cơ quan có CBCC gây ra sai phạm có trách nhiệm bồi thường, còn phải xem xét kỷ luật cán bộ gây oan sai.

Khẳng định quan điểm khi người thực thi công vụ gây ra thiệt hại cho dân thì Nhà nước phải bồi thường, nhưng Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình, ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết trong thực tế thực hiện rất khó, gặp nhiều vướng mắc.

Lâu nay bồi thường chủ yếu trong lĩnh vực hình sự, bây giờ quy định cả lĩnh vực hành chính thì càng khó khăn hơn. Ông Bình cho biết thêm, dư luận bức xúc chuyện oan sai do cán bộ nhà nước gây ra nhưng lại lấy tiền thuế của dân để đền bù và cho rằng có thể lập ra quỹ bồi thường, nguồn cho quỹ đó lấy từ việc thu của các hoạt động tội phạm như là buôn lậu, ma túy, tham nhũng.

Về Dự thảo Luật quản lý ngoại thương và Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), theo Tờ trình của Chính phủ, hoạt động ngoại thương trong thời gian qua diễn ra sôi động và có đóng góp nhất định cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Song chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này còn một số điểm chưa hoàn chỉnh, cần tiếp tục hoàn thiện, tránh sự trùng lắp, chồng chéo, trong khi sự minh bạch chưa cao, tính ổn định, dự báo còn thấp, còn những rào cản về thủ tục hành chính.

Một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo luật để bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu... Đại biểu Phạm Phú Quốc, đoàn TPHCM cho rằng, việc quy định quá nhiều giấy phép sẽ tạo ra lực cản lớn, đề nghị cần rà soát lại.

Thẩm tra Dự án Luật trợ giúp pháp lý sửa đổi, Ủy ban pháp luật lưu ý quy định lựa chọn những người “có hoàn cảnh khó khăn về tài chính” hoặc “trẻ em bị buộc tội” mới thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Việc thu hẹp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý so với quy định hiện hành tạo nên sự thiếu nhất quán trong chính sách xã hội của Nhà nước và có thể gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội.

Ủy ban pháp luật đề nghị tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, tạo lập các cơ chế để thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội vào hoạt động này, qua đó tận dụng các nguồn lực trong xã hội và góp phần làm giảm gánh nặng cho Nhà nước.