Ổi ruột đỏ tốt cho người bệnh gout

VOH - Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh gout là ảnh hưởng đến các khớp, đặc biệt là ngón chân cái.

Các cơn gout thường bắt đầu đột ngột bùng phát vào ban đêm và vô cùng đau đớn, đôi khi khiến người bệnh đang trong giấc ngủ phải thức giấc.

Làm thế nào để giảm các cơn bùng phát của bệnh gout? Bệnh gout nên ăn uống gì tốt nhất? Theo tài liệu nghiên cứu những năm gần đây đều phân tích cho thấy dưỡng chất vitamin C có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout.

Benh gout 16
Ổi ruột đỏ giàu vitamin C và chứa nhiều chất xơ rất tốt cho người bệnh gout - Ảnh: TVBS

Dưỡng chất nào có thể phòng ngừa bệnh gout?

Chức năng của vitamin C là tham gia vào các tế bào miễn dịch của cơ thể, có tác dụng chống oxy hóa, cũng như chuyển hóa năng lượng và chức năng thần kinh.

Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ công bố một thử nghiệm ngẫu nhiên, thử nghiệm mù đôi, dùng giả dược, trong đó các đối tượng tham gia thử nghiệm được chỉ định ngẫu nhiên dùng vitamin C (500 mg/ngày) và vitamin E (400IU/ngày).

Trong thử nghiệm mù đôi, các đối tượng được thử nghiệm và nhà nghiên cứu khoa học không biết đối tượng nào thuộc nhóm đối chứng và đối tượng nào thuộc nhóm thực nghiệm, tất cả đều được “làm mù”.

Chỉ sau khi tất cả dữ liệu đã được thu thập và phân tích, các nhà nghiên cứu mới biết được đối tượng thực nghiệm thuộc về nhóm nào, tức là đến lúc này mới không bị mù.

Trong số 14.641 bác sĩ nam được chọn ngẫu nhiên vào nghiên cứu, độ tuổi trung bình là 64±9 tuổi; 1% là người da đen và 6,5% mắc bệnh gout trước khi chọn ngẫu nhiên.

Người ta nhận thấy rằng, trong số những bệnh nhân được dùng vitamin C, tỷ lệ mắc bệnh gout mới trong thời gian theo dõi là 8,0 trường hợp trên 1.000 người/năm, so với 9,1 trường hợp trên 1.000 người/năm ở những người dùng giả dược; có phân bổ dùng vitamin C làm giảm 12% số ca chẩn đoán bệnh gout mới.

Bệnh nhân gout nên dùng các loại thực phẩm giàu vitamin C gồm có rau củ như: ớt nếp, ớt đỏ, ớt chuông đỏ, ớt xanh, ớt chuông vàng, súp lơ tím, hạt cải dầu, đậu Hà Lan, rau muống, mầm bắp cải, giá đỗ, bông cải xanh, súp lơ trắng;

Cũng nên ăn các loại trái cây giàu vitamin C chẳng hạn như: ổi ruột đỏ, ổi ruột trắng, mãng cầu, nhãn, táo tàu, kiwi vàng, đu đủ, hồng, dâu tây, vải thiều…

Liều lượng vitamin C được khuyên dùng mỗi ngày từ 100~140mg.

Ổi ruột đỏ giúp ngăn ngừa bệnh gout

Hàm lượng vitamin C trong ổi có thể nói là vô địch trong các loại trái cây, nên nó còn được mệnh danh là “vua vitamin C”.

Ổi ruột đỏ và ổi ruột trắng thông thường có gì khác biệt nhau? Theo các chuyên gia dinh dưỡng giải thích rằng, ổi ruột đỏ chỉ khác biệt là có nhiều carotene và lycopene hơn ổi ruột trắng, và cả hai loại ổi ruột đỏ và ổi ruột trắng không có sự khác biệt về các chất dinh dưỡng khác.

Chúng đều là những loại trái cây có lượng calo thấp, ít đường và ít carbohydrate, đồng thời có nhiều vitamin C và chất xơ rất phù hợp cho những người bệnh gout đang theo chế độ ăn kiêng.

Cách lựa chọn ổi sao cho ngon thì theo chuyên gia dinh dưỡng cho biết, trái ổi phải có kích thước vừa phải, hình dáng không quá dài, vỏ xanh mướt và căng bóng, màu sắc đồng đều, khi cầm lên có cảm giác nặng tay.

Nếu người nào thích ăn giòn thì chọn những trái xanh và cứng hơn; còn nếu thích ăn mềm hơn thì chọn những trái có màu hơi vàng xanh và mềm chút xíu.