Mùa nắng nóng nên hạn chế ăn gì để tránh ngộ độc thực phẩm?

VOH - Để chọn lọc và bảo quản thực phẩm đúng cách, phòng tránh ngộ độc mùa nắng nóng, cùng tham khảo ý kiến của BS Đỗ Thị Như Quỳnh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn.

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng BS Đỗ Thị Như Quỳnh, Khoa Cấp cứu - Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn.

VOH: Làm thế nào để nhận biết thực phẩm có nguy cơ ngộ độc? Có những loại thực phẩm nào nên hạn chế hoặc không nên ăn trong mùa nắng nóng hay không?

BS Đỗ Thị Như Quỳnh: Vì ô nhiễm thực phẩm có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong quá trình sản xuất từ trồng, thu hoạch, chế biến, tàng trữ, vận chuyển và chuẩn bị. Ô nhiễm hoặc chuyển giao sinh vật gây hại từ môi trường, từ bề mặt khác thường sẽ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm. 

Điều này đặc biệt khó khăn trong việc chọn lựa những thực phẩm có sẵn hoặc chưa chế biến như xà lách hoặc rau sống. Những thực phẩm này không nấu chín sẽ gây nên vi sinh vật không bị phá hủy, dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Một số cách nhận biết thực phẩm có nguy cơ cao bị ngộ độc là dựa vào hình ảnh. Một số thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc như sau:

  • Các nguồn thực phẩm không được đun nấu kỹ giống như gỏi, rau sống,...
  • Thức ăn vỉa hè hoặc nhà hàng khi không được chế biến và bảo quản đúng cách, việc chọn lựa nguyên liệu không đảm bảo vệ sinh.
  • Thức ăn chế biến sẵn trong hộp hoặc quá hạn sử dụng, có hình ảnh móp méo.
  • Thức ăn để qua đêm không được bảo quản đúng cách.
  • Thực phẩm chế biến có dạng ngâm hoặc ủ, muối chua,...
mua-nang-nong-nen-han-che-an-gi-de-tranh-ngo-doc-thuc-pham-voh
Những thực phẩm có sẵn hoặc chưa chế biến sẽ có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm - Ảnh: Canva

VOH: Bác sĩ có thể chia sẻ thêm về cách chọn cũng như bảo quản thực phẩm trong mùa nắng nóng thế này được không ạ?

BS Đỗ Thị Như Quỳnh: Theo Sở An toàn Thực phẩm của TPHCM, để đảm bảo sức khỏe của người dân và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, chúng ta phải chọn lựa thực phẩm an toàn, tươi mới.

Rau quả sống phải được ngâm rửa kỹ bằng nước sạch, gọt vỏ trước khi ăn. Đặc biệt, phải nấu kỹ thức ăn bằng nhiệt độ bên trong của thực phẩm đạt tới 70°C. Ăn ngay sau khi nấu vì khi để lâu, thực phẩm dễ bị vi trùng tấn công và có hại cho sức khỏe.

Ngoài ra, cần chú ý bảo quản thực phẩm đã nấu chín. Nếu muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng thì cần giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 0°C. Thức ăn cho trẻ em thì không sử dụng lại. Trường hợp nấu chín và dùng lại sau 5 tiếng thì phải được đun kỹ một lần nữa.

Ngoài ra, quá trình bảo quản phải tránh những trùng chéo giữa các thực phẩm chín và sống. Rửa tay sạch trước khi chế biến thực phẩm và trước khi ăn. Nếu tay có vết thương, cần băng kỹ vết thương trước khi chế biến thực phẩm. 

Một biện pháp cần lưu ý là phải rửa sạch bề mặt chế biến đồ ăn. Khăn lau chén cũng cần luộc nước sôi thường xuyên khi sử dụng. Chú ý, phải che đậy thực phẩm tránh côn trùng hoặc động vật khác. Bảo quản thực phẩm trong hộp kín, trong chạn, tủ kính hoặc lồng bàn. 

Sở cũng nhấn mạnh, khi nấu nướng và sinh hoạt thì người dân cần sử dụng nguồn nước sạch và đun sôi trước khi dùng.

voh-ngo-doc-thuc-pham-nsk

Đừng quên theo dõi voh.com.vn - Mục Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.