Nhọc nhằn "xóa cũ - thay mới"

(VOH) - Mặc dù những năm sau giải phóng còn nhiều gian khó nhưng công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ được tiến hành về mọi mặt nên những năm học đầu tiên sau giải phóng đã được khai giảng ở tất cả các trường học đúng với quy định của Bộ GD-ĐT.

Hòa trong niềm hân hoan của cả nước đón mừng 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với các thế hệ cán bộ quản lý giáo dục, các nhà giáo, học sinh, ngành Giáo dục - Đào tạo TPHCM (GD-ĐT TPHCM) nhìn lại chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển. Đã qua rồi thời kỳ ngành GD-ĐT TP đối mặt với những ngày đầu khó khăn sau giải phóng, để ngày nay phát triển không ngừng về quy mô chất lượng đào tạo, vươn lên dẫn đầu trong cả nước.

Dồn lực xóa mù chữ

Khi giờ phút hào hùng của ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa điểm thì trọng trách nặng nề xây dựng và phát triển thành phố là nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng không kém phần khó khăn được đặt trên vai của ngành giáo dục. Nhiệm vụ chung của giai đoạn 1975-1986 là cải tạo toàn bộ hệ thống giáo dục cũ và xây dựng nền giáo dục mới.

Sài Gòn trước năm 1975 là nơi tập trung của cải và trí tuệ của chế độ cũ nhưng tồn tại cùng với nó là một bộ phận cư dân không hề nhỏ sống ở xóm nước đen, gầm cầu nghèo khó, thất học, đầy dẫy tệ nạn. Trẻ em 7-8 tuổi còn chưa được đến trường, người lớn mù chữ nhiều vô kể. Do vậy, ngay sau giải phóng, xóa mù chữ được xem là nhiệm vụ cấp bách. Theo đó, những lớp học gieo ánh sáng văn hóa được mở ra ở khắp nơi trong thành phố.

Những lớp học gieo ánh sáng văn hóa được mở ra ở khắp nơi. Ảnh tư liệu.

Thầy Nguyễn Hữu Danh, người trực tiếp đứng lớp xóa mù chữ những ngày đó nhớ lại: từ 7 giờ tối là lớp học đã được mở đến khuya, người dân thuận giờ nào học giờ đó. Ở đâu có người học là ở đó có lớp, có khi ở nhà dân, lúc ở nhà thầy, trụ sở cũng biến thành lớp học. Lớp học chỉ có vài người cũng dạy, cả người lớn học chung với trẻ nhỏ. Dưới ánh đèn dầu leo loét, từ trẻ nhỏ, dến những cụ già đeo kính lão, các chị phụ nữ bụng mang dạ chữa, bế con...theo học lớp xóa mù.

Cả người học người dạy đều có chung mong muốn tốt đẹp nhất là biết chữ, có văn hóa để xây dựng đất nước, nhờ vậy mà chỉ sau một năm thành phố đã căn bản xoá nạn mù chữ. “Mình tổ chức những đoàn đi xóa mù chữ, phổ cập ở xóm lao động nghèo, vùng sâu vùng xa. Ban đêm chia 4 đoàn đi ra 4 phía, hết giờ làm việc ở Sở đoàn đi phổ cập có khi đến 11-12 giờ đêm mới về…nhất là khu vực ngoại thành như Củ Chi, đến 9 giờ đêm người dân mới đi làm đồng về, mình vận động người dân ra lớp xóa mù chữ nửa tiếng đến một tiếng”, thầy Nguyễn Hữu danh nói.

Không chỉ phong trào xóa mù chữ có độ lan tỏa mà số lượng học sinh ở những năm học đầu tiên sau giải phóng cũng tăng đột biến và có sức sống vô cùng mạnh mẽ. Bởi người dân đã động viên con em của mình đi học phổ thông, có trình độ, kiến thức để sau này còn góp phần xây dựng đất nước. Tuy nhiên, chưa kịp mừng thì nỗi lo đã tới. Bởi lúc bấy giờ số trường học không đủ đáp ứng đông đảo người dân đang trong tinh thần hăng hái quyết tâm tìm con chữ. Đặc biệt, còn khu vực ven đô, ngoại thành nhiều trường cũ tạm bợ, phòng ốc rất thiếu thốn, trang thiết bị dạy học hầu như không có gì.

Thầy Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT, những năm đó công tác tại trường THPT Nguyễn Hữu Cầu huyện Hóc Môn kể: Thời gian đầu sau ngày giải phóng miền Nam, một số lớp học dựng tạm bằng tranh tre nứa lá, phải học tăng ca, ca 3, ca 4 mới đủ xoay vòng. Hình ảnh giáo viên chạy ngược xuôi ra vô nội - ngoại thành trên những xe đạp cà tàng hoặc bám vào thanh ngang của xe đò để kịp giờ lên lớp là rất phổ biến.

“Lúc đó, trường vừa thiếu vừa ọp ẹp nên không đủ chỗ cho các cháu học, thường học buổi sáng, buổi chiều là hai buổi, xen vào khoảng giữa đó là lớp học ca trưa, cuối buổi chiều có thêm một ca nữa để tận dụng cơ sở vật chất trong điều kiện còn thiếu. Sau giải phóng tinh thần là huy động trẻ ra lớp để đảm bảo tất cả trẻ trong độ tuổi đều được đến trường mà trong khi nhu cầu số lượng học sinh trong độ tuổi đến trường lại nhiều, cho nên phải tăng công suất sử dụng của một phòng học”, thầy Ngai nhớ lại.

Từng bước nâng cao dân trí

Bên cạnh nhiệm vụ xóa mù chữ, từng bước nâng cao dân trí, một trong những nhiệm vụ cấp bách của ngành giáo dục sau giải phóng là thay thế nội dung, chương trình giáo dục của chế độ cũ bằng chương trình, sách giáo khoa của chế độ mới phù hợp với thực tiễn đất nước, xây dựng con người mới XHCN. Tuy cơ sở vật chất khó khăn nhưng không khí giảng dạy và học tập lại sôi động, đầy nhiệt huyết. Các buổi hội họp, tập huấn được tổ chức dày đặc để thông tin kịp thời, phát huy kinh nghiệm thực tế. Cô Nguyễn Thị Yến Thu, người con miền Nam ra Bắc học tập và trở về sau ngày giải phóng và gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở bất cứ nơi nào cần đến mình. Cô không thể quên không khí sôi nổi của thầy và trò với phương châm giáo dục khá mới mẻ như: “học đi đôi với hành”, “giáo dục kết hợp với lao động sản xuất”, “nhà trường gắn liền với xã hội”: “Đưa vào áp dụng ở thành phố mình, học sinh xuống nông thôn giúp nông thôn làm thủy lợi để gắn liền với lao động sản xuất. Học đi đôi với hành là học được thì làm được, nhà trường gắn liền với xã hội như xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ thì học trò tham gia những công việc phù hợp”.

Trong lòng mỗi người học trò đều biết ơn những người thầy đã dìu đắt mình (Ảnh tư liệu từ website HITU)

Tất cả vì học sinh thân yêu

Vấn đề nan giải của ngành giáo dục sau giải phóng là đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên đứng lớp cũng đã được từng bước giải quyết với chính sách tái tuyển và tái sử dụng trên 80% giáo viên chế độ cũ. Đồng thời ngành tiếp nhận nguồn giáo viên chi viện từ miền Bắc, cộng với việc tuyển và đào tạo cấp tốc giáo viên mới nên đã giải được bài toán thiếu giáo viên. Mặc dù ở thời điểm đời sống đầy khó khăn thiếu thốn nhưng giáo viên đã hoàn thành tốt sứ mệnh trồng người của mình.

Thầy Hồ Thiệu Hùng - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP chia sẻ: Sau giải phóng, mức lương của giáo viên trong những năm đầu chưa được đưa vào thang bậc lương cụ thể, chỉ khoảng 40-50 đồng/tháng, so với tương quan chung thì không cao và hiếm khi giáo viên nhận lương đúng hạn. Tiêu chuẩn chỉ được 2 kg gạo mỗi tháng, phải ăn độn bo bo khiến ai cũng gầy gò, sau những buổi lên lớp là chăn nuôi heo gà trong công trình phụ nhưng giáo viên vẫn sử dụng ngày nghỉ của mình phụ đạo cho học sinh. Với cái tâm trong sáng, với tấm lòng tất cả vì học sinh thân yêu, người thầy luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. “Lúc bấy giờ, nơi nào trả được lương giáo viên đúng hạn tức là cuối tháng có lương giáo viên là thủ trưởng vui mừng như tổ chức kì thi thành công. Có thời kì thành phố còn phải ăn độn nữa, nhưng các thầy cô vẫn gắn bó với trường, thế mới thấy thầy cô mình là quý. Tâm lý lúc bấy giờ là cứ xốc tới mà làm, làm cho hoàn thành nhiệm vụ, mà hoàn thành tốt thì càng tốt, không chỉ cán bộ lãnh đạo mà giáo viên bình thường có thể làm việc quá giờ, có những cuộc họp nòng cốt đến 12 giờ đêm để bàn công việc của trường”, thầy Hồ Thiệu Hùng cho biết.

Mặc dù những năm sau giải phóng còn nhiều gian khó nhưng công tác chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ được tiến hành về mọi mặt nên những năm học đầu tiên sau giải phóng đã được khai giảng ở tất cả các trường học đúng với quy định của Bộ GD-ĐT. Bản lĩnh và quyết tâm của ngành GD-ĐT TP cũng chính là nền tảng để ngành vươn lên dẫn đầu trong giai đoạn sau. Sau "xóa cũ - thay mới", kể từ sau năm 1986, là một thành phố năng động, sáng tạo, ngành GD TP chuyển mình và có những bước tiến vượt bậc để từng bước đưa nền giáo dục hội nhập với quốc tế./.