Học theo Bác, Củ Chi thành công nhờ phát huy sức mạnh nhân dân

(VOH) - Noi gương Bác, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi đã và phát huy hiệu quả sức mạnh của tập thể, của quần chúng.

Là vùng đất của đạn bom, của sự tàn phá do chiến tranh, vùng đất Củ Chi những ngày đầu mới giải phóng vô cùng khó khăn, khắc nghiệt. Nhưng truyền thống anh dũng, đi đầu trong đấu tranh lại được quân và dân Củ Chi, một lần nữa vận dụng thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, tạo nên sự thay đổi diệu kỳ của vùng đất xám trắng năm nào.

Một góc thị trấn Củ Chi hôm nay. Ảnh: TTXVN

Huyện Củ Chi có gần 2.000 doanh nghiệp và chi nhánh hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, tình hình kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Củ Chi cũng không nằm ngoài tình trạng đó. Để tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, huyện chủ động tổ chức đối thoại nhằm giải quyết những vướng mắc cho doanh nghiệp. Huyện còn vận động các ngân hàng tạo các gói hỗ trợ, hỗ trợ lãi vay giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, vượt qua khó khăn.

Về sự phát triển của huyện Củ Chi những năm qua, ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND thành phố, đánh giá: “Củ Chi là huyện phát triển nhanh và mạnh. Trong đó, công nghiệp- nông nghiệp- thương mại dịch vụ cũng cao hơn thành phố. Huyện đã chỉ đạo rất sát sao, ưu tiên phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển bền vững”.

Việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng theo hướng  tập trung phát triển những loại cây con giá trị kinh tế cao, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của huyện từ 16 đến 21 triệu đồng/người/năm vào thời điểm 2010, lên mức 40 triệu đồng/người/năm hiện nay. Tổng đàn bò sữa của huyện khoảng 70.000 con, gần bằng 2/3 tổng đàn thành phố, cho sản lượng sữa bình quân 500 tấn/ngày. Hoa lan đạt 167 ha, giá trị sản xuất 14,8 tỷ đồng, doanh thu bình quân 700 triệu đồng/ha/năm và nhiều mô hình làm cây giống, con giống với hiệu quả kinh tế cao…cùng cộng hưởng, đưa giá trị sản xuất bình quân của huyện lên gần 260 triệu đồng/ha/năm. Góp phần vào những con số ấn tượng này, chính là ý thức học tập, tiếp cận cái mới của mỗi nông dân trên địa bàn. Một số bà con nông dân tạo cho mình cơ hội tham quan học hỏi kinh nghiệm sản xuất canh tác ở Thái Lan và các nước lân cận.

Không dừng ở đó, những người tưởng chừng chỉ gắn bó với vườn tược, ruộng đồng còn ấp ủ và thực hiện những công nghệ mới, khắc phục điều kiện bất lợi để khẳng định thương hiệu nông sản. Trường hợp nông dân Vũ Phương Bình, chủ trại bò sữa giống ở ấp Xóm Mới, xã An Nhơn Tây, không chỉ am hiểu đặc tính của các giống bò, ông còn đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ lai tạo, nâng cao chất lượng bò giống từ việc nhập nội dòng tinh đã phân ly giới tính. Việc sử dụng dòng tinh này, giúp tỷ lệ bê con sinh ra trên 92% là con cái, từ đó phát triển đàn chất lượng và hiệu quả hơn.

“Bởi vì con giống từ Mỹ, Úc, New Zealand giá rất cao, cần thời gian dài để thích nghi, rủi ro cho bà con cao hơn. Ngay cả Israel, đất nước đứng đầu thế giới về chăn nuôi bò sữa điều kiện môi trường họ từ 35- 40 độ c, nóng hơn mình nên tôi quyết định đầu tư lai tạo con giống”, ông Bình cho biết thêm.

Không chỉ nâng cao thu nhập, các điều kiện sống của người dân trên địa bàn huyện được cải thiện đáng kể. 100% xã có hệ thống đường giao thông tương đối hoàn chỉnh, hệ thống chiếu sáng có mặt ở khắp các tuyến đường, trạm y tế, trung tâm văn hóa, trường học đạt chuẩn quốc gia...Kết cấu hạ tầng của huyện ngày càng hoàn thiện, góp phần nâng cao mức sống, mức hưởng thụ văn hóa của người dân trên địa bàn. Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay 20/20 xã của huyện Củ Chi cơ bản hoàn thành các tiêu chí, tạo sự thay đổi thực chất trong cuộc sống của người dân. Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho hay: “Cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, sản xuất phát triển đưa thu nhập hộ tăng cao bền vững. Nếu những năm đầu chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, cơ sở văn hóa… thì những năm sau quan điểm của huyện là phát triển sản xuất, chuyển dịch lao động, tạo điều kiện cho các hộ tổ chức lại sản xuất, thu hút doanh nghiệp về đầu tư”.

Cuộc sống càng được nâng chất ổn định, người dân lại càng có ý thức tự giác trong gìn giữ bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương. Từ đó, nhiều mô hình quần chúng tham gia giữ gìn trật tự an toàn được thực hiện như: tiếng kẻng an ninh, tổ an ninh dân chính đảng…Trong đó, người dân phối hợp với cán bộ, xã, ấp, đoàn thể thực hiện tuần tra, chủ động phòng ngừa vây bắt các đối tượng vi phạm. Về vai trò của nhân dân trong ổn định trật tự xã hội, ông Lê Minh Tấn, Bí thư huyện ủy huyện Củ Chi khẳng định: “Nhân dân luôn là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Bác Hồ đã dạy “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Trải qua các thời kỳ cách mạng, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được tiến hành thường xuyên liên tục. Lực lượng công an đã dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân để phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, bảo vệ cuộc sống yên lành cho nhân dân”.

Noi gương Người, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi đã và phát huy hiệu quả sức mạnh của tập thể, của quần chúng. Từ đó, Củ Chi một lần nữa tạo được sự đồng thuận, phát huy tinh thần đấu tranh vượt khó để đem lại những màu xanh, những quả ngọt cho đời.