Muốn sống khỏe nên ăn các loại nấm này

VOH – Có ai thích ăn các loại nấm không? Mọi người thích ăn nấm hương, nấm mỡ, nấm kim châm hay nấm đùi gà còn gọi là nấm sò vua?

Y học cổ truyền cho rằng, ăn nhiều các loại nấm có thể bồi bổ cơ thể, trì hoãn lão hóa, tăng cường thể lực, đồng thời có thể chống ung thư và hạ mỡ máu.
Bài viết sau đây sẽ giới thiệu công dụng của 6 loại nấm đối với sức khỏe và những ai nên chú ý khi ăn các loại nấm này.

vhv---cacloainam
Các loại nấm khác nhau có tác dụng khác nhau đối với sức khỏe chúng ta - Ảnh: TVBS

Nấm là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe được khuyên dùng

Dư Nhã Văn, một thầy thuốc đông y giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, các loại nấm khác nhau có tác dụng khác nhau đối với sức khỏe mọi người và chúng nó là những thực phẩm rất tốt cho sức khỏe được khuyên dùng.

Nhiều triệu chứng khó chịu về thể chất phổ biến ở người cao tuổi, chẳng hạn như sức đề kháng yếu, khô da, ho khan, thiếu âm… có thể được cải thiện bằng cách ăn các loại nấm để tăng cường dinh dưỡng trong chế độ ăn và cải thiện tình trạng mệt mỏi về thể chất rất hiệu quả.

Lợi ích sức khỏe tuyệt vời của các loại nấm

Thầy thuốc Dư Nhã Văn cho biết, từ xa xưa, y học cổ truyền đã phân loại nhiều loại nấm ăn được dùng làm dược liệu chăm sóc sức khỏe, như nấm linh chi, nấm hương, nấm kim châm, nấm phục linh, nấm mộc nhĩ đen, nấm mộc nhĩ trắng…
Y học cổ truyền cho rằng, ăn nhiều nấm có thể tăng cường sức khỏe, bổ khí, tăng cường sức đề kháng, kéo dài tuổi thọ và giữ cho trẻ trung, có nghĩa là các loại nấm có thể nuôi dưỡng cơ thể, bồi bổ thể chất, trì hoãn lão hóa, tăng cường thể lực và tránh béo phì.

Thầy thuốc Dư Nhã Văn cho biết thêm, y học cổ truyền đánh giá cao từng loại nấm ăn được, ví dụ nấm mèo hay còn gọi là mộc nhĩ đen có tác dụng bổ máu hiệu quả; trong khi đó mộc nhĩ trắng có tác dụng bổ phổi, có tác dụng tuyệt vời đối với các triệu chứng do nóng và khô phổi; nấm hương có tác dụng tốt cho dạ dày và máu, tiêu đàm và điều hòa khí…

1. Nấm mỡ

Nấm mỡ chứa một lượng lớn vitamin D và khoáng chất. Trong đó, có chứa hàm lượng canxi, magie và kẽm cao. Chúng có công dụng tăng cường sức khỏe xương và chống ung thư…

2. Nấm hương

Nấm hương rất giàu protein, ít chất béo, nhiều đường đa, các loại axit amin và vitamin. Công dụng của nấm hương được khoa học chứng minh là có khả năng giúp tăng cường chức năng tiêu hóa của dạ dày, tiêu đờm, ngăn ngừa ung thư….

3. Mộc nhĩ

Mộc nhĩ hay còn gọi là nấm mèo rất giàu protein, chất béo, đường, nhiều loại vitamin và khoáng chất. Công dụng của chúng giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh thiếu máu do thiếu sắt.

4. Nấm đùi gà

Chất dinh dưỡng của nấm đùi gà bao gồm: giàu protein, carbohydrate, vitamin, canxi, magie, đồng, kẽm và nhiều loại khoáng chất khác. Nấm đùi gà có công dụng: tăng cường miễn dịch, hạ mỡ máu, tốt cho đường ruột, nhuận trường…

5. Nấm ngọc châm trắng

Nấm ngọc châm trắng giàu chất dinh dưỡng, chứa một lượng lớn đường đa và nhiều loại vitamin. Nó có công dụng giúp tăng cường miễn dịch, nhuận trườngng và giải độc…

6. Nấm kim châm

Nấm kim châm giàu chất dinh dưỡng, có nhiều protein, vitamin, phốt pho, sắt và các khoáng chất khác. Nấm kim châm giúp tăng cường khả năng miễn dịch và giảm béo.

Đường đa chứa trong nấm có khả năng chống ung thư

Thầy thuốc Dư Nhã Văn cho biết thêm, mặc dù đường đa chứa trong nấm không có tác dụng tiêu diệt trực tiếp tế bào ung thư, nhưng chúng có thể kích thích cơ thể hình thành kháng thể, từ đó cải thiện và điều chỉnh hệ thống phòng thủ của cơ thể, đạt được điều mà y học cổ truyền gọi là tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Đường đa chứa trong nấm hương có thể giúp chống ung thư, có thể thúc đẩy cơ thể sản xuất interferon. Đây là một loại cytokine được tiết ra bởi các tế bào của hệ miễn dịch để điều chỉnh các phản ứng miễn dịch; là loại cytokine đầu tiên được phát hiện, nó được đặt tên là interferon, có tác dụng chống lại các tác nhân ngoại lai như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và tế bào ung thư.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, nấm hầu thủ hay gọi là nấm đầu khỉ có tác dụng chống ung thư đáng kể; nấm linh chi có thể điều chỉnh khả năng miễn dịch, tăng cường cơ thể khỏe mạnh, trì hoãn lão hóa và giúp trẻ trung lâu dài. Tất cả các loại nấm này đều cho thấy tiềm năng của chúng trong việc chống ung thư.

Những ai cần hạn chế ăn nấm hương?

Thầy thuốc Dư Nhã Văn khuyến cáo, mặc dù có giá trị dinh dưỡng cao nhưng nấm hương không phải ai cũng ăn được. Trong đó, đối với những người hay bị dị ứng, chẳng hạn như bệnh nhân hay nổi mề đay thì không nên ăn nấm hương khi đang bị nổi mề đay.

Ngoài ra, hàm lượng kali trong nấm hương tương đối cao nên những bệnh nhân thận cần phải hạn chế kali trong chế độ ăn uống cũng nên đặc biệt chú ý đến lượng tiêu thụ nấm hương để tránh làm cho tình trạng bệnh càng trầm trọng hơn, gây hại quá mức đến sức khỏe.